Thêm 9.100 tỷ đồng đầu tư dự án nhà máy điện mặt trời tại Tây Ninh

Dự án là cái “bắt tay” giữa Công ty TNHH Xuân Cầu (Việt Nam) và đối tác là Công ty TNHH B.Grimm Power Public (Thái Lan). “Trái ngọt” này là kết quả từ Hội nghị cấp cao Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady – Chao Phraya – Mekong (ACMECS) lần thứ 8 diễn ra trong 2 ngày 15 và 16/6/2018 tại thủ đô Bangkok, Thái Lan.

Thêm 9.100 tỷ đồng đầu tư dự án nhà máy điện mặt trời tại Tây Ninh - Ảnh 1.

Dự án điện mặt trời Dầu Tiếng 1và 2 với tổng vốn đầu tư trị giá 9.100 tỷ đồng.

Theo thoả thuận hợp tác đầu tư, hai nhà đầu tư sẽ cùng hợp tác đầu tư xây dựng nhà máy điện mặt trời Dầu Tiếng 1 và Dầu Tiếng 2 tại các huyện Dương Minh Châu và Tân Châu, tỉnh Tây Ninh với tổng mức đầu tư lên tới 9.100 tỷ đồng.

Đây là giai đoạn đầu tiên của một tổ hợp điện mặt trời mà Công ty TNHH Xuân Cầu đã được Chính phủ phê duyệt bổ sung vào điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện quốc gia.

Công suất thiết kế nhà máy điện mặt trời Dầu Tiếng 1 và Dầu Tiếng 2 là 350 Mwac (420 MWdc) được xây dựng trên vùng đất bán ngập Hồ Dầu Tiếng dự kiến vận hành vào năm 2019. Theo quy hoạch đã được phê duyệt, tổng công suất dự kiến của toàn dự án là 2.000 MW, Trong đó, nhà máy điện mặt trời Dầu Tiếng 1 có công suất 150 MW sẽ được đưa vào vận hành trong năm 2018. Theo đó, nhà máy Điện mặt trời Dầu Tiếng 2 có công suất 200 MW sẽ vận hành trong năm 2019.

Các nhà máy điện mặt trời tiếp theo với quy mô tổng công suất 1.500 MW, sẽ đưa vào vận hành sau năm 2025. Có thể nói, tính tới thời điểm hiện tại, đây là dự án điện mặt trời lớn nhất Việt Nam và châu Á.

Sau khi đưa vào hoạt động, dự án được kỳ vọng sẽ góp phần cung cấp một lượng điện năng đáng kể cho khu vực phía Nam – Khu vực phát triển kinh tế mạnh mẽ luôn yêu cầu nguồn cung điện dồi dào.

Bên cạnh đó, dự án này cũng góp phần tối ưu hóa lợi việc sử dụng vùng đất bán ngập hồ Dầu Tiếng, tạo ra công ăn việc làm cho hàng trăm người dân địa phương và góp phần vào chính sách phát triển chung của tỉnh Tây Ninh.

Được biết, Tây Ninh là địa phương được đánh giá là tỉnh có tiềm năng về năng lượng mặt trời với cường độ bức xạ từ 5,1kWh/m2/ngày. Số giờ nắng trung bình tại địa phương này lên đến 2.400 giờ/năm, rất phù hợp với phát triển điện bằng nguồn năng lượng mặt trời, nên đã được nhiều doanh nghiệp quan tâm đầu tư vào lĩnh vực này.

Mới đây, UBND tỉnh Tây Ninh đã có văn bản đề nghị Bộ Công Thương xem xét phê duyệt bổ sung 15 dự án xây dựng nhà máy điện mặt trời vào Quy hoạch phát triển điện lực Tây Ninh (giai đoạn 2011-2015, có xét đến năm 2020).

Cấp phép đầu tư Nhà máy điện mặt trời Sông Luỹ 1

Bài viết mới