Thanh Hóa thu hồi hơn 25ha đất của Công ty Ô tô Vinaxuki

Theo đó, xét đề nghị của Sở TN&MT về việc thu hồi 250.452m2 đất của Công ty TNHH một thành viên (MTV) ô tô Vinaxuki Thanh Hóa tại xã Đại Lộc, huyện Hậu Lộc, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ra quyết định số 2269/QĐ-UBND về việc thu hồi đất.

Lý do thu hồi đất nhà nước cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà Công ty TNHH MTV ô tô Vinaxuki Thanh Hóa không đưa phần diện tích đất này vào sử dụng (vi phạm quy định tại điểm i, khoản 1, Điều 64 Luật Đất đai năm 2013).

Vị trí thu hồi ranh giới khu đất được xác định theo trích lục bản đồ địa chính khu đất số 661/TLBĐ, tỷ lệ 1/2000 do Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Sở TN&MT Thanh Hóa lập ngày 20/9/2009.

Theo tìm hiểu được biết, ngày 10/9/2012 UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định số 2904/QĐ-UB cho Công ty TNHH MTV ô tô Vinaxuki Thanh Hóa thuê với diện tích 716.455m2 đất tại cụm công nghiệp Song Lộc tại xã Triệu Lộc và Đại Lộc, huyện Hậu Lộc để xây dựng cụm các nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô, máy xây dựng với thời gian cho thuê đến ngày 26/10/2059 với hình thức cho thuê trả tiền hàng năm.

UBND tỉnh Thanh Hóa cũng giao cho Sở TN&MT triển khai, kiểm tra, theo dõi việc thực hiện thu hồi đất; xác nhận thay đổi vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho công ty tổ chức bàn giao cho UBND xã Đại Lộc quản lý.

Sở Công thương, UBND huyện Hậu Lộc và các đơn vị liên quan tham mưu cho chủ tịch UBND tỉnh lập hồ sơ bổ sung cụm công nghiệp Song Lộc vào quy hoạch cụm công nghiệp tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Khi giao quyết định thu hồi đất cho Công ty TNHH MTV Vinaxuki, nếu công ty không nhận quyết định thu hồi hoặc vắng mặt thì lập biên bản xác nhận, niêm yết công khai tại trụ sở UBND xã Đại Lộc và giữ nguyên trạng đất được thu hồi.

Về phía Công ty TNHH MTV Vinaxuki Thanh Hóa cần nộp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Sở TN&MT.

Được biết, Dự án Nhà máy sản xuất, lắp ráp ôtô, máy của Công ty Cổ phần ôtô Xuân Kiên (Vinaxuki) được cấp phép xây dựng từ năm 2010 với tổng số vốn 1.360 tỷ đồng.

Với mục tiêu sản xuất, lắp ráp ôtô tải có tải trọng từ 0,5 tấn đến 45 tấn, ôtô buýt từ 16 chỗ ngồi đến 100 chỗ ngồi; sản xuất phụ tùng ôtô các loại. Khi đi vào hoạt động, nhà máy dự kiến sản xuất và lắp ráp 15.000 xe tải/năm, 400 xe buýt/năm.

Tuy nhiên khi nhà máy đi vào hoạt động năm 2011 thì chỉ sau đó 2 năm, nhà máy bắt đầu ngưng trệ rồi bỏ hoang cho đến nay.

Không chỉ tan vỡ giấc mơ ô tô “made in Vietnam”, Vinaxuki còn vừa bị bêu tên nợ hàng chục tỷ đồng tiền đóng BHXH của người lao động

Bài viết mới