P-Notes, tác nhân gây ra áp lực bán ròng của khối ngoại trên TTCK Việt Nam?

TTCK Việt Nam năm 2018 ghi dấu ấn đậm nét từ dòng tiền khối ngoại. Chỉ trong chưa đầy 6 tháng đầu năm, khối ngoại đã mua ròng hơn 33.000 tỷ đồng trên HoSE và đây là con số kỷ lục từ trước tới nay.

Đóng góp quan trọng vào con số mua ròng kỷ lục đó phải kể tới giao dịch Vinhomes với giá trị mua ròng khoảng 28.000 tỷ đồng. Nếu loại đi giao dịch đột biến này thì lượng mua ròng thực tế trên thị trường trong nửa đầu năm chỉ rơi vào khoảng 5.000 tỷ đồng.

Đà mua ròng của khối ngoại diễn ra đều đặn trong 2 tháng đầu năm khi giá trị mua ròng lên tới hơn 12.000 tỷ đồng và là động lực giúp thị trường bứt phá. Sau giai đoạn này, xu hướng của khối ngoại chủ yếu là bán ròng (xen giữa là thương vụ đột biến Vinhomes) và đặc biệt trong tháng 6 này, áp lực bán càng diễn ra mạnh mẽ.

Theo số liệu thống kê từ 1/6 – 20/6, khối ngoại đã bán ròng hơn 2.200 tỷ đồng trên HoSE và cũng là tháng bán mạnh nhất từ đầu năm tới nay. Việc khối ngoại đẩy mạnh bán ròng đang ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý giới đầu tư cũng như xu hướng thị trường.

Quỹ nào đang bán mạnh trên TTCK Việt Nam?

Nếu như giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 5, dòng tiền ngoại vào thị trường yếu có thể giải thích bằng việc ETFs rút ra khỏi các thị trường mới nổi, cận biên và từ đó ảnh hưởng tới TTCK Việt Nam hay việc một số quỹ cơ cấu danh mục để chuẩn bị cho những thương vụ lên sàn lớn của Vinhomes hay Techcobank.

Những lý do này không sai, nhưng đến tháng 6, khi mà các thương vụ niêm yết lớn trong năm đã hoàn tất thì khối ngoại thậm chí còn bán ra mạnh hơn. Vậy áp lực bán ròng này đến từ đầu?

Đầu tiên phải kể tới các quỹ ETF. Tuần giao dịch trước, hai quỹ VNM ETF và FTSE Vietnam ETF tiến hành cơ cấu danh mục đã gây ra áp lực bán ròng không nhỏ của khối ngoại. Trong đó, điểm đáng chú ý là VNM ETF đã giảm tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam trong danh mục càng khiến áp lực bán ròng mạnh thêm.

Tuy nhiên, đó chưa phải lý do lớn bởi quy mô các quỹ ETF này không còn quá lớn và khó có thể tạo ra lực bán ròng lớn như vậy.

Yếu tố tiếp theo gây ra áp lực bán ròng có thể đến từ các quỹ đóng như Dragon Capital hay VinaCapital. Theo số liệu công bố cuối tháng 5, tỷ trọng tiền mặt trong danh mục của VEIL (quỹ lớn nhất do Dragon Capital quản lý) âm 3,88%. Tương tự, VOF (do VinaCapital quản lý) cũng có khoản nợ phải trả chiếm 1,7% danh mục.

Với việc sử dụng “đòn bẩy”, không loại trừ khả năng các quỹ này đã tiến hành cơ cấu, bán ra cổ phiếu để cân bằng danh mục trong những ngày gần đây và là một trong những nguyên nhân gây nên áp lực bán ròng của khối ngoại.

P-Notes, tác nhân gây ra áp lực bán ròng của khối ngoại trên TTCK Việt Nam? - Ảnh 1.

VEIL đã sử dụng tiền vay cho hoạt động đầu tư

Ngoài ra cũng cần lưu ý đến một số quỹ đầu tư vào Việt Nam nhằm đón sóng nâng hạng thị trường có thể đã rút vốn. Tundra Vietnam Fund là ví dụ điển hình khi quỹ đầu tư chuyển “đánh game” nâng hạng này sau nhiều tháng được bơm vốn liên tiếp đã bị rút ròng 65 triệu USD trong tháng 5.

P-Notes, tác nhân gây ra áp lực bán ròng của khối ngoại trên TTCK Việt Nam? - Ảnh 2.

Quỹ đầu tư chuyển “đánh game” nâng hạng đã bị rút ròng mạnh trong tháng 5

Dòng tiền P-Notes đang bán ra?

Bên cạnh những yếu tố kể trên, áp lực bán ròng của khối ngoại những ngày qua còn có thể đến từ dòng tiền P-Notes (Participatory Notes) đang bị rút khỏi TTCK Việt Nam.

P-Notes là chứng chỉ tham gia đầu tư, về cơ bản là một dạng công cụ tài chính phái sinh được phát hành riêng cho nhà đầu tư nước ngoài bởi các tổ chức đầu tư đang hoạt động tại những thị trường chứng khoán mới nổi.

Để phát hành P-Notes, các định chế tài chính lớn thường tích lũy một số lượng cổ phiếu đủ lớn, bao gồm các cổ phiếu lớn, có thanh khoản tốt, hoạt động hiệu quả và mang tính đại diện cho thị trường để lập thành một danh mục. Trên danh mục đó, các tổ chức tài chính này sẽ phát hành P-Notes cho các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đầu tư vào thị trường chứng khoán của nước sở tại.

Tại Việt Nam, hiện có một số định chế tài chính như Deutsch Bank, Citigroup… đã phát hành sản phẩm P-Notes cho NĐT vào TTCK Việt Nam. Trước đó, giai đoạn đầu năm 2016, sự thăng hoa của TTCK Việt Nam cũng như dòng vốn ngoại được đánh giá có vai trò quan trọng của P-Notes.

Trong báo cáo mới được công bố, CTCK Yuanta cho rằng với những phản ứng mạnh trong vài phiên gần đây, không loại trừ khả năng dòng tiền P-Notes đang bán ra do lo ngại về quyết định tăng lãi suất của Fed thêm 2 lần trong thời gian tới.

Đây là dòng tiền khó lường và tốc độ ra vào nhanh nên sẽ ảnh hưởng đáng kể đến diễn biến của thị trường trong ngắn hạn. Trong 3 năm giao dịch gần đây, nhà đầu tư nước ngoài quan tâm nhiều đến P-Notes hơn là chứng chỉ quỹ ETF cho nên thị trường cũng sẽ rất khó dự đoán được xu hướng của dòng tiền này.

Cũng theo Yuanta, những cổ phiếu lớn như VIC, DXG, HPG thỏa mãn các tiêu chí trong danh mục P-Notes và đây có thể là nguyên nhân bị bán ròng mạnh trong thời gian qua.

[Câu chuyện cuối tuần] P-notes: Mồi lửa cho phiên tăng điểm mạnh nhất 3 tháng qua của VN-Index

Bài viết mới