Tài chính Xi măng đổi tên thành VietCredit, chuẩn bị cạnh tranh với Fe Credit, Home Credit

Ngày 18/6/2018, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã cấp đổi Giấy phép thành lập và hoạt động cho Công ty tài chính cổ phần Xi Măng. Theo đó, công ty đổi tên thành Công ty Tài chính cổ phần Tín Việt (VietCredit Finance Company).

Công ty Tài chính cổ phần Tín Việt được thực hiện các hoạt động của công ty tài chính tổng hợp theo quy định của pháp luật và của NHNN, gồm các hoạt động sau:

(i) Huy động vốn dưới các hình thức: Nhận tiền gửi của tổ chức; Phát hành chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu, trái phiếu để huy động vốn của tổ chức; Vay vốn của tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật; Vay NHNN dưới hình thức tái cấp vốn theo quy định của Luật NHNN Việt Nam.

(ii) Cấp tín dụng dưới các hình thức sau đây: Cho vay, bao gồm cả cho vay trả góp, cho vay tiêu dùng; Chiết khấu, tái chiết khấu công cụ chuyển nhượng, các giấy tờ có giá khác; Bảo lãnh ngân hàng; Phát hành thẻ tín dụng; Bao thanh toán; Cho thuê tài chính; Các hình thức cấp tín dụng khác (sau khi được NHNN chấp thuận).

(iii) Các hoạt động khác: Mở tài khoản tiền gửi tại NHNN; Mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; Mở tài khoản tại ngân hàng nước ngoài theo quy định của pháp luật về ngoại hối; Mở tài khoản tiền gửi và quản lý tiền vay cho khách hàng; Góp vốn, mua cổ phần theo quy định của NHNN; Tiếp nhận vốn ủy thác của Chính phủ, tổ chức, cá nhân để thực hiện các hoạt động đầu tư vào các dự án sản xuất, kinh doanh, cấp tín dụng được phép, ủy thác vốn cho tổ chức tín dụng thực hiện cấp tín dụng theo quy định của NHNN;

Tham gia đấu thầu tín phiếu Kho bạc, mua, bán công cụ chuyển nhượng, trái phiếu Chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp, tín phiếu Kho bạc, tín phiếu NHNN và các giấy tờ có giá khác theo quy định của pháp luật; Bảo lãnh phát hành trái phiếu Chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp, đại lý phát hành trái phiếu, cổ phiếu và các loại giấy tờ có giá khác; Kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối trên thị trường trong nước trong phạm vi do NHNN quy định; Làm đại lý kinh doanh bảo hiểm; Cung ứng dịch vụ tư vấn trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính, đầu tư; Cung ứng dịch vụ quản lý, bảo quản tài sản của khách hàng.

Tài chính Tín Việt hiện chỉ có cổ đông lớn duy nhất là Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem). Trước đó vào cuối năm 2017, Vietcombank – cổ đông sáng lập Tài chính Xi măng- đã thoái vốn khỏi công ty này với giá bán bình quân hơn 11.500 đồng/cổ phần, thu về tổng cộng hơn 76 tỷ đồng.

Như vậy, với các hoạt động được phép, trên thị trường tài chính tiêu dùng tới đây Fe Credit, Home Credit, HD Saison và các công ty tài chính khác sẽ có thêm một đối thủ cạnh tranh đó là VietCredit. Tuy mức độ cạnh tranh trước mắt có thể chưa lớn, khi công ty chchắn vốn điều lệ khoảng 605 tỷ đồng, nhưng trong tương lai công ty này chắc chắn sẽ phải tăng vốn để gia tăng cơ hội trên thị trường.


Bài viết mới