Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang các thị trường chính không ổn định

Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), với điều kiện tự nhiên thuận lợi, ngành hải sản Việt Nam đang phát triển nhanh chóng, cùng với đó là hoạt động xuất khẩu hải sản đang được đẩy mạnh. Xuất khẩu (XK) hải sản luôn chiếm tỷ trọng hơn 30% về giá trị XK.

Bên cạnh đó, ngành khai thác, chế biến và XK các sản phẩm hải sản của Việt Nam phát triển ngành càng cao, góp phần đáng kể vào sự tăng trưởng về kim ngạch XK hải sản, mở ra hướng đi đầy triển vọng cho hoạt động khai thác xa bờ.

Giá trị kim ngạch XK hải sản đã tăng trưởng nhanh trong 2 thập kỷ qua, tăng từ mức 355 triệu USD lên gần 2,7 tỷ USD tăng 652%. Tuy nhiên, do giá hải sản trên thị trường thế giới nhiều biến động, nên giá trị XK hải sản Việt Nam trong 20 năm qua không ổn định.

Các sản phẩm hải sản XK của Việt Nam đang ngày càng đa dạng. Các sản phẩm như cá ngừ, mực bạch tuộc, nhuyễn thể hai mảnh vỏ, cua ghẹ và surimi hiện đang có doanh số XK cao hơn nhiều so với những năm 1998-1999. Trong đó, cá ngừ, mực và bạch tuộc đang ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong tổng XK hải sản của cả nước.

VASEP cho biết, trong vòng 20 năm qua, cá ngừ là 1 trong 3 sản phẩm XK chủ lực của Việt Nam. Giá trị XK các sản phẩm cá ngừ đã tăng từ mức 14 triệu USD lên 593 triệu USD, tăng 4.109 %. Tỷ trọng XK cá ngừ trong tổng XK hải sản của Việt Nam đã tăng từ 4% lên 22%. Các loài cá ngừ xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam gồm cá ngừ vây vàng, cá ngừ mắt to, cá ngừ vây dài, cá ngừ vây xanh miền Nam và cá ngừ sọc dưa…

Về cơ cấu sản phẩm, nếu như giai đoạn 1998 – 2007, Việt Nam chủ yếu XK cá ngừ thô nguyên liệu, trong 10 năm trở lại đây, các doanh nghiệp (DN) đã chú trọng hơn trong việc gia tăng giá trị các sản phẩm, XK các sản phẩm cá ngừ chế biến như thăn/philê cá ngừ, cá ngừ đóng hộp ngâm dầu, cá ngừ đóng túi…đã được đẩy mạnh.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang các thị trường chính không ổn định - Ảnh 1.

Nguồn: VASEP

Cùng với cá ngừ, XK mực, bạch tuộc của Việt Nam cũng tăng liên tục qua các năm. Giá trị XK mặt hàng của Việt Nam đã tăng từ mức 92 triệu USD lên 621 triệu USD trong 20 năm qua, tăng 572%. Liên tục trong 20 năm qua, XK mực, bạch tuộc luôn chiếm tỷ trọng cao nhất, nhì trong tổng XK hải sản.

Tính đến hết năm 2017, các sản phẩm hải sản của Việt Nam đã xuất được sang hơn 184 thị trường trên thế giới. Trong đó, Nhật Bản, EU, Mỹ, ASEAN, Hàn Quốc và Trung Quốc lần lượt là 6 thị trường NK hải sản lớn nhất của Việt Nam, luôn chiếm hơn 81% tổng giá trị XK hải sản.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang các thị trường chính không ổn định - Ảnh 2.

Nguồn: VASEP

Nhìn chung, XK hải sản của Việt Nam sang các thị trường chính không ổn định. Nguyên nhân là khả năng cạnh tranh của các sản phẩm của Việt Nam tại các thị trường này thấp, các thị trường ngày càng đưa ra nhiều rào cản.

Cụ thể, tại thị trường Nhật Bản, các sản phẩm cá ngừ chế biến của Việt Nam đang phải chịu mức thuế suất bất lợi. Cụ thể là đối với hai mặt hàng cá ngừ vây vàng đóng hộp (mã HS160414092) và thăn cá ngừ hấp đông lạnh (mã HS160414099) đang phải chịu mức thuế suất cao hơn so với của Thái Lan Philippines. Với mức thuế suất này các sản phẩm cá ngừ chế biến Việt Nam không thể cạnh tranh được với các nước cùng khu vực. Hai mặt hàng này, từ mùng 01/4/2009 Thái Lan đã được hưởng mức thuế suất ưu đãi là 4,8% tiếp đó giảm xuống còn 1,6% kể từ tháng 4/2011 và xuống còn 0% từ tháng 4/2012. Còn Philipin cũng đang được hưởng mức thuế 4,8% tiếp đó sẽ giảm xuống còn 2,4% từ tháng 4/2011 và 1,2% từ tháng 4/2012 và xuống còn 0% từ tháng 4/2013. Trong khi các DN XK cá ngừ của Việt Nam vẫn đang phải chịu mức thuế suất 7,2% theo GSP giữa Việt Nam và Nhật Bản, và 9,6% theo VJEPA, và thậm chí cũng không được cắt giảm hàng năm đến 0% như những nước này.

Tại các thị trường lớn như Mỹ và EU, các yêu cầu về việc thực hiện quy định chống lại nạn khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) đẫ và đang tác động đến kim ngạch XK hải sản sang các thị trường này.

Đặc biệt, từ ngày 23/10/2017, EU đã ban hành cảnh báo thẻ vàng đối với hải sản khai thác của Việt Nam dù Việt Nam đã nỗ lực áp dựng các quy định IUU của EU từ đầu năm 2010. Điều này đã và đang ảnh hưởng tới XK hải sản của Việt Nam, đặc biệt là các sản phẩm mực, bạch tuộc, 4 tháng đầu năm 2018, XK mực, bạch tuộc sang thị trường này đã giảm 20% so với cùng kỳ năm trước. Còn đối với cá ngừ, do nguồn nguyên liệu để sản xuất XK từ trong nước không nhiều, chủ yếu là từ nguồn NK nên thời gian qua các Việt Nam vẫn đẩy mạnh được XK cá ngừ sang EU và chưa bị ảnh hưởng rõ của việc “cảnh báo thẻ vàng”, do đó, 4 tháng đầu năm nay, XK các ngừ sang EU vẫn tăng 17,1% so với cùng kỳ năm 2017.

Nhưng việc cảnh báo này có thể làm tăng nguy cơ các lô hàng bị trả về nếu các DN không chứng minh được tính minh bạch về nguồn gốc khai thác của lô hàng, đồng thời các lô hàng cá ngừ của Việt Nam khi xuất sang sẽ tốn thêm chi phí và thời gian để kiểm tra về nguồn gốc. Còn đối với mực, bạch tuộc, mặt hàng thu gom nguyên liệu từ nhiều nguồn, nhiều tàu hàng, DN gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện các thủ tục theo quy định của EC, nên XK sang EU đang giảm.

Còn tại Mỹ, chương trình giám sát thủy sản NK (SIMP) đã được đưa ra nhằm ngăn chặn IUU đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 cũng đang gây khó khăn cho DN XK hải sản.

Bên cạnh những cơ hội tích cực trong vấn thuế hoặc cộng gộp, các biện pháp SPS – TBT trong TPP/FTAs đã đặt ra những thách thức không nhỏ đối với ngành hải sản. Chẳng hạn, những quy định về quy tắc xuất xứ sẽ gây khó khăn cho các mặt hàng hải sản XK chủ lực của Việt Nam; có những yêu cầu cam kết cấm trợ cấp đánh bắt hải sản có thể gây bất lợi với chính sách phát triển của ngành khai thác.

VASEP kết luận, với rất nhiều khó khăn như vậy, nhưng qua 20 năm với nhiều nỗ lực ngành hải sản Việt Nam đang từng bước phát triển và ngày càng lớn mạnh. Giá trị XK ngày càng tăng và dự báo XK hải sản trong thời gian tới vẫn sẽ tăng nhẹ.

Triển vọng lạc quan của thuỷ sản Việt Nam tại ASEAN

Bài viết mới