Sáng nay, căng thẳng thương mại Mỹ – Trung lại leo lên 1 nấc thang mới với những tuyên bố cứng rắn từ cả hai phía. Sau khi ông Trump thông báo đang xem xét đánh thuế thêm 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, Bắc Kinh cũng không kém cạnh khi tuyên bố sẽ có hành động đáp trả.
Suốt mấy tháng nay chiến tranh thương mại đã gây áp lực lớn lên thị trường bởi những tác động tiêu cực mà nó mang lại và lần này cũng không phải là ngoại lệ. Các tài sản an toàn thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư với vàng, yên Nhật và trái phiếu Mỹ đều tăng giá. Chỉ số S&P 500 tương lai giảm điểm và trong phiên sáng nay thị trường châu Á đã chìm trong sắc đỏ.
Bị ảnh hưởng nặng nhất chính là Trung Quốc – thị trường vừa trải qua kỳ nghỉ cuối tuần dài hơn bình thường và sáng nay là phiên đầu tiên để các nhà đầu tư Trung Quốc phản ứng với các căng thẳng đã leo thang từ thứ sáu tuần trước đến nay.
Tính đến 11h14 (theo giờ địa phương), chỉ số Hang Seng đã giảm hơn 2%. Chỉ số Shanghai Composite giảm 2,73% và đang hướng tới mức thấp nhất kể từ tháng 8 năm ngoái trong khi Shenzhen Composite giảm tới 4,26%.
Đáng chú ý nhất là cổ phiếu của tập đoàn ZTE. Sáng nay Thượng viện Mỹ vừa thông qua dự luật chi tiêu quốc phòng trị giá 716 tỷ USD, theo đó nhấn chìm thỏa thuận cho phép ZTE tiếp tục làm ăn với các công ty Mỹ nếu như đáp ứng được một số điều kiện. Động thái này khiến cổ phiếu ZTE niêm yết trên sàn Hồng Kông giảm 23,36% và trên sàn Thâm Quyến giảm sàn 10%.
Cập nhật đến 3h chiều nay, chỉ số Shanghai Composite đã giảm gần 5%, đánh mất mốc 3.000 điểm lần đầu tiên kể từ năm 2016. Chỉ số S&P 500 tương lai cũng giảm hơn 1,5%. Yên Nhật tăng giá so với tất cả các đồng tiền chủ chốt trong khi đồng nhân dân tệ rơi xuống mức thấp nhất kể từ ngày 12/1. Trái phiếu Kho bạc Mỹ tăng giá.
Vừa mở cửa, chứng khoán châu Âu cũng chịu áp lực lớn với chỉ số Stoxx 600 hiện đang giảm 1%, giao dịch ở mức thấp nhất kể từ tháng 4. Các cổ phiếu khai khoáng và ô tô là những nhóm giảm mạnh nhất.
Chịu ảnh hưởng từ Trung Quốc, đồng dollar Australia giảm xuống dưới mức 74 cent đổi 1 USD, thấp nhất 12 tháng do nền kinh tế nước này bị phụ thuộc nhiều vào kinh tế Trung Quốc. Chính “cơn khát” quặng sắt và than đá của Trung Quốc là một trong những lực đẩy chính giúp kinh tế Australia trải qua 27 năm không suy thoái.