Những ngày đầu tháng 9, việc những chiếc xe Honda CR-V bất ngờ được liên tục giảm giá, mức giảm có khi đến 200 – 300 triệu đồng/xe đã thu hút sự chú ý của nhiều người mua xe.
Động thái này, kết hợp với làn sóng giảm giá trước đó từ Trường Hải đã khiến nhiều người mua xe đặt nghi vấn. Phải chăng rằng trước khi giảm giá, các đại lý và hãng xe đang quá lãi khi bán xe ở Việt Nam? Và, giá trị thật của những chiếc ô tô này khi xuất xưởng là bao nhiêu?
Honda CR – V
Sự thật hoàn toàn không phải như vậy. Nếu thử nhìn vào cơ cấu giá của một chiếc ô tô tại Việt Nam thì có lẽ bạn sẽ dễ dàng ‘đồng cảm’ hơn với các đại lý và các hãng xe ở Việt Nam.
Thực sự, với những chiếc xe ngoại nhập như Honda CR–V từ lúc đặt chân lên đất Việt Nam cho tới khi đến được với người mua xe Việt thì chi phí mua đã đội lên bằng gần cả một chiếc xe. Như thế, các đại lý giảm giá 200 – 300 triệu/xe cũng chính là đang hy sinh lỗ hiện tại để dành cho hiệu quả kinh doanh dài hạn.
Liệu bạn có biết ‘giá trị thực’ của một chiếc xe là bao nhiêu?
Theo các thống kê thì thị trường ô tô Việt Nam dù đắt đỏ nhưng vẫn đang tăng trưởng nhanh hàng đầu khu vực. Nói một cách đơn giản, người Việt rất ‘máu’ mua ô tô, sẵn sàng bỏ ra một số tiền lớn đã tích cóp nhiều năm để mua lấy một chiếc 4 bánh.
Thế nhưng, khi đã bỏ ra cả khối gia tài, họ vẫn không hề biết ‘giá trị thực’ của những chiếc xe mình mua là bao nhiêu. Lưu ý rằng, khái niệm ‘giá trị thực’ ở đây không hề có nghĩa liên quan đến chất lượng xe, mà thực ra ám chỉ đến giá xe khi chưa cộng các khoản thuế, phí khi thực hiện việc bán xe ra thị trường và lợi nhuận mà nhà phân phối xe kỳ vọng. Trong kinh tế học, cách hiểu này gần nhất với khái niệm kế toán là giá vốn của một hàng hóa (cost of goods sold).
Thuế, phí làm đội giá xe tại Việt Nam lên rất nhiều
Khi đến các khâu phân phối, đại lý các hãng xe sẽ bán xe cho nhà sản xuất với giá vốn – giá trị thực của xe cộng giá trên với chi phí bán hàng (vận hành hệ thống, marketing, quản trị…), với lợi nhuận mà mình kỳ vọng và với các loại thuế phí chính phủ Việt Nam đánh lên ô tô ngoại nhập là thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) và VAT. Kết quả tạo ra chính là giá xe niêm yết bán đến tay người tiêu dùng Việt Nam.
Gộp các thành phần chi phí bán hàng của nhà phân phối, lợi nhuận kỳ vọng của nhà phần phối và lợi nhuận kỳ vọng của hãng xe vào chung là chi phí bán hàng, công thức người ta thường nhắc đến khi nói về giá xe ô tô tại Việt Nam là:
(*) Giá niêm yết = Giá vốn (Giá trị thực) + Chi phí bán hàng + Thuế TTĐB + VAT
Trong đó, thuế TTĐB được tính dựa trên giá vốn, VAT được tính bằng 10% của tổng gồm Giá vốn + Thuế TTĐB + Chi phí bán hàng.
Mua xe ở Việt Nam: Mua ô tô 500 triệu, tiền mất gấp đôi, bằng cả tỷ đồng
Từ công thức trên và theo các số liệu thực trong nước thì dường như người tiêu dùng Việt Nam đang phải chịu rất nhiều chi phí tăng thêm bên ngoài giá trị thực của một chiếc xe.
Sẽ là dễ hiểu và công bằng cho người mua xe nếu trong công thức (*), thành phần giá vốn chiếm chủ yếu và các thành phần chi phí bán hàng, thuế TTĐB, VAT chỉ là phụ thêm.
Thế nhưng thực tế ở Việt Nam, cứ 10 đồng người mua xe bỏ ra thì chỉ có 5,5 đồng là dành cho giá vốn – giá trị thực của chiếc xe đó. Chi phí bán hàng cũng cũng chỉ bao gồm 0,8 đồng. Còn lại, thuế TTĐB và phí VAT chiếm đến 3,7 đồng, với thuế TTĐB và VAT lần lượt bằng 28% và 9% giá trị niêm yết của xe.
Cơ cấu giá một chiếc xe Toyota Vios 1.5TRD CVT
Giờ đây, với mỗi chiếc xe bán trên thị trường Việt Nam, bạn hoàn toàn có thể ước chừng được giá trị thực của nó.
Ví dụ, chiếc xe Toyota Vios 1.5TRD CVT thuộc top bán chạy tại Việt Nam có giá niêm yết 644 triệu đồng. Tính toán ra, giá trị thực của chiếc xe này chỉ là hơn 354 triệu đồng (55%). Phần tăng lên rất nhiều chủ yếu đến từ thuế TTĐB và VAT, khi mà nó lên tới hơn 238 triệu đồng (37%) – bằng luôn giá trị cả một chiếc ô tô.
Từ đó, là không sai khi nói ở Việt Nam, giá từ đại lý đến hãng xe đã bị đội lên gấp đôi, và người tiêu dùng đã phải mất tiền bằng 2 chiếc xe mới có thể có được một chiếc ô tô cho mình.
Đáng nói hơn, lý do cho việc đội giá này lại đến từ những mức thuế, phí rất cao mà Chính phủ thiết lập để ngăn cản xe nhập ngoại, chứ không phải do người bán ‘tham’ lợi nhuận. Thực tế, theo các chuyên gia trong ngành ô tô, mức lợi nhuận của đại lý ở Việt Nam chỉ thường ở khoảng 5% giá xe mà thôi.