Cơn sốt đất hiếm toàn cầu lại bùng nổ vì Trung Quốc

Một lần nữa, cơn sốt đất hiếm lại bùng nổ. Việc chính phủ Trung Quốc mạnh tay với các hoạt động khai thác bất hợp pháp khiến nguồn cung sụt giảm. Trong bối cảnh năng lượng sạch lên ngôi, đất hiếm đóng vai trò quan trọng trong ngành công nghiệp điện tử và năng lượng, từ xe điện tới tuabin gió.

Trong vài tháng gần đây, giá của các loại đất hiếm “nhẹ” bao gồm neodymium và praseodymium đã tăng chóng mặt. Các nhà sản xuất đua nhau tích trữ kim loại hiếm này bởi lo ngại nguồn cung sẽ thiếu hụt vì chính sách của Trung Quốc. Alice Mu, chuyên gia phân tích tại Bắc Kinh, cũng cho rằng đất hiếm “nhẹ” sẽ tiếp tục tăng giá trong thời gian tới vì cầu vượt cung.

Trung Quốc là nước sản xuất hơn 80% lượng đất hiếm trên toàn thế giới. Việc siết chặt kiểm soát với các mỏ khai thác đất hiếm bất họp pháp nằm trong chiến dịch giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường và thắt chặt kiểm soát với ngành công nghiệp khổng lồ mà Bắc Kinh đang triển khai. Trước đó, giá nhôm và thép thế giới cũng đã tăng sau các động thái của nhà chức trách Trung Quốc.

Đất hiếm là kim loại quan trọng trong ngành công nghiệp điện tử và năng lượng toàn cầu. Cùng với lithium và coban, đất hiếm tạo ra linh hồn cho ngành công nghiệp xe điện và năng lượng tái tạo với những loại pin dung tích cao, độ bền lớn nhưng trọng lượng vừa phải.

Giá đất hiếm tăng mạnh trong 1 năm qua. Ảnh: Bloomberg

Giá đất hiếm tăng mạnh trong 1 năm qua. Ảnh: Bloomberg

Theo Bloomberg, doanh số bán xe điện trên toàn cầu tăng 55% trong năm ngoái lên gần 700.000 xe phần lớn do Trung Quốc. Theo ước tính, Trung Quốc sẽ chiếm tới một nửa lượng xe ô tô bán ra vào năm 2040 và một phần ba trong số đó sử dụng năng lượng điện.

Lynas Corp, công ty sản xuất đất hiếm lớn nhất thế giới ngoài Trung Quốc, nhận định, việc sử dụng đất hiếm có từ tính trong các loại xe này dự kiến sẽ tăng từ 2.000 tấn năm 2016 lên 7.000 tấn năm 2020 và 12.000 tấn vào năm 2024. Tiềm năng to lớn từ đất hiếm khiến cổ phiếu Lynas Corp tăng giá 160% trong 9 tháng đầu năm nay. Lynas cũng nhận định lượng đất hiếm trong sản xuất tuabin gió sẽ tăng gấp đôi lên 4.000 tấn vào năm 2024. Trong khi đó, điện gió trên bờ sẽ chiếm ¼ tổng công suất năng lượng mới trên toàn cầu trong 23 năm tới.

Cơn sốt đất hiếm gần nhất xảy ra năm 2010-2011 khi Trung Quốc thổi bùng lo ngại với việc hạn chế xuất khẩu kim loại này. Giá trở nên ổn định khi các nhà sản xuất tìm được lựa chọn thay thế. Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) sau đó ủng hộ khiếu nại của Mỹ khi cho rằng Trung Quốc vi phạm quy tắc thương mại.

Tuy nhiên, khi cả thế giới lo lắng, các nhà sản xuất đất hiếm Trung Quốc lại tỏ ra vui mừng. Cổ phiếu công ty sản xuất đất hiếm lớn nhất thế giới của Trung Quốc đã tăng 53% chỉ riêng trong năm nay. China Minmetals Rare Earths Co., một tên tuổi lớn khác trong ngành công nghiệp này, cũng có cổ phiếu tăng tới 27%.

Mỹ, Nhật, Liên minh châu Âu “chiến” với Trung Quốc về đất hiếm

Bài viết mới