Sôi động đất nền
Tham dự một hội thảo về bất động sản tổ chức ở TP. Hồ Chí Minh cuối tuần trước, Nhất Huy (27 tuổi) – một môi giới địa ốc – hào hứng khoe vừa mua hai miếng đất nền tại huyện Bến Lức. Khoảng nửa năm nay, văn phòng môi giới chuyên về địa bàn phía Nam Sài Gòn nơi anh làm việc nhận được nhiều quan tâm từ nhà đầu tư đối với bất động sản Long An. Cá nhân anh thì hy vọng có thể kiếm lời ở hai miếng đất vừa mua và mở rộng việc đầu tư trong tương lai.
Cũng bên hành lang hội thảo, chị Thảo – kế toán một công ty truyền thông tại TP. Hồ Chí Minh chia sẻ vừa mua thêm một khu đất khoảng 500 m2 tại Long An. Chị cho biết, có thể dành đất để cất nhà ở vì gần gia đình, song cũng không loại trừ khả năng xem đây là một khoản đầu tư. Chị ước tính chỉ sau 3 tháng mua, miếng đất đã có lời khoảng 20% và dự báo chưa dừng lại.
Ông Phan Công Chánh, chuyên gia bất động sản độc lập nhận định, khoảng 80% giao dịch mua bán đất tại Long An thời gian qua là để đầu tư. Điều này cũng cho thấy tiềm năng vì lợi thế sẵn có của khu vực.
Ông Chánh phân tích, một trong những lợi thế lớn của Long An là vị trí cửa ngõ TP. Hồ Chí Minh, nối liền với vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đây cũng là một trong 7 địa phương nằm trong quy hoạch vùng TP. Hồ Chí Minh, có hệ thống giao thông thuận tiện với các tuyến đường Vành đai 3, cao tốc Trung Lương – Sài Gòn, chưa kể cao tốc Bến Lức – Long Thành nối với sân bay quốc tế Long Thành sắp hoàn thành và cao tốc nối với sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất sẽ xây dựng trong tương lai…
Ngoài ra, thời gian di chuyển từ nhiều địa bàn giáp ranh như Bến Lức, Đức Hòa… tới trung tâm TP. Hồ Chí Minh chỉ khoảng 40 – 50 phút, tương đương từ các quận Bình Tân đi Thủ Đức.
Theo khảo sát, giao dịch tại các huyện liền kề TP. Hồ Chí Minh như Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc khá sôi động, giá đất cũng cao hơn các vùng khác và tăng khoảng 20 – 30% trong khoảng nửa năm.
Tại thị trấn Đức Hòa, giá đất nền mặt tiền dao động trên 15 triệu/m2. Tại Cần Giuộc, giao dịch phổ biến trong vùng giá trên 18 triệu/m2 như vùng chợ Long Thượng, công viên hồ Cánh Sen hay gần UBND xã Long Hậu. Đặc biệt tại Bến Lức, giá đất nền có nơi đạt trên 20 triệu/m2, gấp đôi ba lần một số huyện xa TP. Hồ Chí Minh hơn như Tân An, Thủ Thừa, Đức Huệ, Cần Đước…
Khu đô thị, chung cư đua “bung hàng”
Không chỉ có đất thổ cư được giao dịch nhiều mà dự án của các tập đoàn bất động sản cũng liên tiếp xuất hiện. Tại huyện Bến Lức, CTCP Đầu tư Nam Long (mã: NLG) đang có những bước chuẩn bị cuối cùng để khởi công khu đô thị Waterpoint với quy mô 355 ha. Giai đoạn 1, Nam Long triển khai dự án với 165 ha gồm hàng nghìn sản phẩm là căn hộ chung cư, biệt thự gắn liền với không gian xanh gắn liền sông nước quanh Vàm Cỏ Đông. Tổng vốn đầu tư giai đoạn đầu là 6.900 tỷ đồng, dự kiến thực hiện từ năm 2018 đến 2023.
Các khu đô thị quy mô lớn, được đầu tư bài bản như Waterpoint sẽ tạo luồng sinh khí mới cho thị trường bất động sản Long An.
Bên cạnh các giao dịch đất nền truyền thống, việc những khu đô thị quy mô lớn, đầu tư đồng bộ như Waterpoint xuất hiện tại Long An cũng góp phần đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư cũng như cư dân muốn tìm kiếm sản phẩm ở khu vực nhiều tiềm năng như Tây Nam Sài Gòn. Đây cũng là động lực cho nhiều dự án bất động sản khác được phát triển tại địa phương.
Bên cạnh Nam Long, nhiều tập đoàn lớn khác cũng đang xúc tiến đầu tư những dự án lên đến hàng trăm ha tại Long An. Đơn cử như CTCP Him Lam đã đề xuất thành lập khu kinh tế mở quy mô đến 32.000 ha bao gồm khu nông nghiệp công nghệ cao, khu đô thị sinh thái, khu công nghiệp, cảng biển quốc tế và khu đô thị.
Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã được Long An chấp thuận chủ trương đầu tư đến 36 dự án với tổng diện tích hơn 2.100 ha; Thaco cũng được chấp thuận đầu tư khu công nghiệp Quốc tế Trường Hải với diện tích 162 ha.
Theo các nhà phân tích, với sự xuất hiện của hàng loạt dự án quy mô các giao dịch bất động sản tại Long An nói chung và các huyện lân cận TP. Hồ Chí Minh nói riêng chắc chắn sẽ tiếp tục ghi nhận nhiều diễn biến đáng chú ý trong thời gian tới.