Tại sự kiện bóng đá World Cup được tổ chức vào tháng 6 năm nay, người Ý sẽ không còn cơ hội nâng chiếc cúp. Azzurri bị loại và không còn cơ hội tỏa sáng tại giải đấu, nhưng người Ý vẫn sẽ làm cho chiếc cúp được tỏa sáng.
Cứ bốn năm một lần, trong một tòa nhà không tên tại một khu công nghiệp gần Milan, giữa những làn khói bụi mù của kim loại và những âm thanh đinh tai nhức óc của các loại máy cắt và búa, một công ty nhỏ bé ‘tự tay’ cầm lấy chiếc cúp vàng thế giới và mang lại cho nó một vẻ đẹp ngời sáng.
Một nhân viên tại GDE Bertoni của Paderno Dugnano, Milan, Italy đang đánh bóng chiếc cúp vàng của FIFA World Cup 2018. Công ty sản xuất nằm ở phía bắc nước Ý, nơi có trách nhiệm lau chùi và xử lý cup từ năm 1971 .
Đó là GDE Bertoni, một doanh nghiệp nhỏ chỉ vỏn vẹn 12 nhân viên có trụ sở đặt tại vùng ngoại ô Milan Paderno Dugnano, được vinh dự trở thành nhà sản xuất cúp vàng từ năm 1971, sau khi Brazil nâng lên chiếc cúp Jules Rimet khi họ giành chức vô địch World Cup lần thứ ba trên thế giới.
“Tôi vẫn luôn có một cảm giác đặc biệt khi nhìn thấy chiếc cúp nguyên bản trở về đây, mặc dù vẫn được nhìn thấy bản sao của nó mỗi ngày,” Valentina Losa, giám đốc Công ty cho biết.
Chiếc cúp được thực hiện bởi Giám đốc nghệ thuật, nhà điêu khắc Silvio Gazzaniga của công ty, với sự giúp đỡ của cha Valentina, Giorgio, người đưa ra ý tưởng là để hình cầu ở trên đỉnh của chiếc cúp.
Chiếc cúp cao khoảng 14,5 inch, được làm từ hơn 6kg vàng 18 cara, có giá 20 triệu USD, theo USA Today, tương đương khoảng 456 tỷ đồng.
“Bản gốc là bản gốc. Nó khác biệt giống như việc nhìn thấy bức tranh Mona Lisa nguyên bản và bản sao của nó. Hai cảm giác hoàn toàn khác nhau”, Valetina cho biết.
Đứng trước một bức ảnh có chữ ký của Franz Beckenbauer, người trở thành đội trưởng đầu tiên nâng chiếc cúp mới vào năm 1974, Losa chia sẻ về quá trình nhận được hợp đồng sản xuất chiếc cúp vàng danh giá của công ty.
“Có 53 công ty đề xuất tham gia dự án này từ khắp nơi trên thế giới, nhưng chúng tôi là những người duy nhất có thể tạo ra một sản phẩm vật chất hữu hình mà không chỉ là bản vẽ”, cô nói.
Ngay sau mỗi kỳ World Cup, FIFA đều gửi lại chiếc cúp về ngôi nhà của nó. Pietro Brambilla, một trong tám chuyên gia kĩ thuật của Bertoni cho biết: “Trong bốn năm, nó di chuyển và tiếp xúc với nhiều thứ nên đã bị hư hại đôi chút. Tuy nhiên, chúng tôi có thể biến nó trở về với hình dạng ban đầu”.
Brambilla không có hứng thú với bóng đá nhưng điều này đã thay đổi khi anh thấy đội trưởng của đội chiến thắng World Cup nâng chiếc cúp trên tay.
“Khi đó, tôi luôn rơi nước mắt bởi vì biết rằng, chiếc cúp danh giá đã từng được truyền qua tay tôi. Đó là một cảm giác tuyệt vời mà ít ai biết”, anh nói.
Bên cạnh chiếc Cúp nguyên bản, Bortoni cũng sản xuất thêm một chiếc bản sao để đội chiến thắng được giữ lại sau giải đấu.
Chiếc cúp bản sao được làm từ đồng thau, sau đó được khắc và đánh bóng trước khi dát vàng 24 kara.
“Chúng tôi tạo ra chiếc cúp hoàn toàn bằng mắt thường. Khi nào chúng tôi thấy rằng nó đủ đẹp thì nó sẽ được mang ra bên ngoài”, Ahmed Ait Siti Abdelkader đưa ra chiếc véc ni có tác dụng giữ cho chiếc cúp luôn sáng bóng trong khoảng một thập kỷ.
“World Cup là một điều gì đó rất khác”, anh nói thêm. “Chúng tôi đã sản xuất rất nhiều chiếc cúp khác, cho Châu Phi, Châu Âu, Trung Mỹ … nhưng chiếc Cúp này hoàn toàn khác với tất cả những chiếc khác”.
Vào ngày 15/7 tới đây, những Neymar, Lionel Messi, Hugo Lloris, Sergio Ramos hay Manuel Neuer… có thể sẽ là người cầm chiếc cúp này chứ không phải là đội trưởng của tuyển Ý Gianluigi Buffon. Nhưng vài tháng sau, chiếc cúp này sẽ được trở về đây, trở về nhà của nó tại Italia và tiếp tục được chăm sóc, nghỉ ngơi trong khu công nghiệp nhỏ ở đây.