Phó Thủ tướng: Phải thiết kế tốt hơn Luật Đặc khu

Ngày 18-6, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và các đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh đã tiếp xúc cử tri tại Đại học Hà Tĩnh và TP Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh) thông báo các kết quả của Kỳ họp thứ 5 và ghi nhận ý kiến cử tri gửi tới Quốc hội, Chính phủ.

Phó Thủ tướng: Phải thiết kế tốt hơn Luật Đặc khu - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tiếp xúc cử tri Hà Tĩnh – Ảnh: Thành Chung

Cử tri Hà Tĩnh đánh giá cao các cơ quan tư pháp, hành pháp đã quán triệt chỉ đạo của Đảng trong phòng, chống tham nhũng với tinh thần “không có vùng cấm” trong xử lý các hành vi tham nhũng, tin tưởng vào sự lãnh đạo toàn diện của Đảng trong các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, kinh tế, xã hội,…; bày tỏ lên án các đối tượng đã lợi dụng lòng yêu nước của người dân để kích động, chống phá chính quyền ở một số địa phương cách đây hơn một tuần nhằm phản đối việc thông qua Luật Đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt Vân Đồn; Bắc Vân Phong và Phú Quốc ( Luật Đặc khu ), Luật An ninh mạng …

Đồng tình với các nhận định của cử tri, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết Bộ Công an và chính quyền một số địa phương đang tập trung khắc phục hậu quả và xử lý nghiêm đối tượng cầm đầu, những kẻ chống đối trong vụ việc vừa qua.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng cho hay Quốc hội biểu dương tinh thần yêu nước và sự quan tâm sâu sắc của nhân dân đến các vấn đề quan trọng của đất nước; đồng thời, nghiêm khắc lên án những hành động lợi dụng dân chủ, xuyên tạc sự thật, kích động, quá khích, gây mất trật tự an ninh xã hội, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của nhân dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và hoạt động của các cơ quan, tổ chức.

“Chính phủ nhận thấy phải làm tốt hơn các nội dung thiết kế của dự án Luật Đặc khu nhưng mặt khác Chính phủ và nhân dân phải cảnh giác để không bị các đối tượng chống phá lợi dụng”- Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định.

Phó Thủ tướng: Phải thiết kế tốt hơn Luật Đặc khu - Ảnh 2.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi tiếp xúc

Về dự án Luật An ninh mạng, Phó Thủ tướng nói: “Chúng ta khẳng định phải tạo điều kiện để người dân nói lên ý kiến của mình nhưng phải bảo đảm chủ quyền an ninh quốc gia trên không gian mạng trong bối cảnh các thách thức của an ninh phi truyền thông đang trở nên rõ ràng”.

Tại phiên tiếp xúc chuyên đề về việc Quốc hội đang cho ý kiến vào dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục và Luật Giáo dục Đại học (sửa đổi), nhiều ý kiến cử tri bày tỏ các dự án cần thể hiện rõ tinh thần đổi mới toàn diện và căn bản giáo dục và đạo mà Đảng đã xác định, ban hành các chính sách đủ mạnh để thực hiện hiệu quả xã hội hoá giáo dục, đẩy mạnh tự chủ trong giáo dục nhất là giáo dục đại học nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy và chất lượng của nguồn nhân lực.

Ghi nhận các kiến nghị và góp ý của cử tri, Phó Thủ tướng nhấn mạnh giáo dục, đào tạo và y tế là hai lĩnh vực luôn được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, tập trung đầu tư về cơ chế chính sách, nguồn lực tài chính.

Phó Thủ tướng khẳng định với các cử tri là giảng viên, sinh viên rằng xã hội hoá giáo dục không đồng nghĩa với tình trạng lạm thu trong giáo dục. Theo Phó Thủ tướng, cần kiểm soát để không xảy ra lạm thu trong giáo dục và đẩy mạnh tự chủ, xã hội hoá trong giáo dục nhằm huy động nguồn lực xã hội và quản lý hiệu quả nguồn lực này vào đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo.

“Tự chủ giáo dục, tự chủ đại học phải hiểu là có lộ trình 4 bước, đầu tiên là tính chi phí tiền lương vào học phí, sau đó là các chi phí vật tư thiết bị y tế, chi phi quản lý và khấu hao. Thực hiện lộ trình tự chủ trong giáo dục được Chính phủ tính toán cho kịp thời, phù hợp với mục tiêu lạm phát, khả năng chi trả của người dân. Đi liền với đó là đẩy mạnh tín dụng chính sách trong học sinh- sinh viên, thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế”- Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng: Phải thiết kế tốt hơn Luật Đặc khu - Ảnh 3.

Thông báo tới cử tri việc Trung ương vừa thông qua Nghị quyết trung ương 7 về cải cách chính sách tiền lương, Phó Thủ tướng cho biết Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành sẽ tập trung sửa đổi, bổ sung hệ thống chính sách, pháp luật để đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống.

Để thực hiện được Nghị quyết, Chính phủ sẽ xác định vị trí việc làm từ cấp cao nhất của Nhà nước tới vị trí thấp nhất của bộ máy, gắn với từng trách nhiệm, công việc cụ thể để trả lương. Động lực và nguồn lực để cải cách chính sách tiền lương là việc thực hiện Nghị quyết của Đảng về tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, đổi mới cơ chế hoạt động đơn vị sự nghiệp công lập…

Quảng Ninh: Người dân và doanh nghiệp nói gì về dự Luật Đặc khu?

Bài viết mới