“Ve sầu lột xác” là một quá trình trưởng thành và phát triển của chú ve sầu. Tuy nhiên nhờ cách thức lột xác rất đặc biệt này mà kế “ve sầu lột xác” xuất hiện luôn cả trong binh pháp tôn tử, và cũng được ứng dụng rất nhiều trong cuộc sống.
Chuyện của chú ve
Chuyện kể rằng, một tối mùa hè nọ, một chú ve con hì hục từ dưới đất chui lên. Chú đang háo hức chuẩn bị đón nhận một cuộc sống mới. Mẹ chú đã nói với chú tất cả điều này, cả những quy trình sẽ diễn ra và chú đã thuộc nằm lòng lời mẹ dạy. Theo lời mẹ dặn, chú đã leo lên một thân cây, tìm được một nơi lý tưởng để bắt đầu hành trình. Việc của chú giờ chỉ là chờ đúng thời điểm để lột xác bay lên.
Tuy nhiên, đang cao hứng ngắm trời đất đón làn gió mát thì ve ta thấy cặp vợ chồng bọ ngựa đang đói cồn cào, vung cặp kiếm sắc nhọn, nhìn ve thèm thuồng.
“Cái khó ló cái khôn”, trong lúc sợ hãi ve ta bỗng nghĩ ra một kế, vội thu mình lại van xin: “Ông bà hãy nghe con nói, đừng ăn thịt con vội. Giờ thịt con còn tanh lắm, phải đến sang mai khi mặt trời vừa lên con mới lớn phổng phao, thơm thịt chắc da”.
“Làm sao bọn tao tin mày được” – ông bọ ngựa già bán tín bán nghi.
“Ông bà thấy đó, con thế này sao thoát được làm bữa ăn cho ông bà, nhưng mà, nếu ông bà chờ thêm mấy giờ nữa thôi, thì con cũng thỏa được ước nguyện đón bình minh, ông bà cũng được bữa ngon lành”.
Nghe có lý, vợ chồng bọ ngựa đứng một bên, để mắt nhìn chú ve con, ve ta cũng hồi hộp không kém. Trước khi trời sáng, ve con đã thực hiện xong hành trình lột xác, vụt lớn thành chú ve trưởng thành, bỏ lại các xác bảo bọc nó bấy lâu và tung cánh bay.
Vừ mệt vừa đói, vợ chồng bọ ngựa vừa thay nhau để mắt đến chú ve, vừa chập chờn ngủ gật. Trời vừa hửng sáng, vợ chồng bọ ngựa giật mình thức giấc nhìn sang bên cạnh thì bỗng chưng hửng khi con mồi đã biến mất.
——————–
Kế sách “ve sầu thoát xác”
Kế sách “ve sầu thoát xác” cũng là bài học mà rất nhiều người đã ứng dụng lúc nguy cấp. Trong kinh doanh cũng rất nhiều doanh nghiệp đã dùng chiêu “ve sầu thoát xác” để vượt qua khó khăn hiện tại, bảo toàn lực lượng chuẩn bị cho cuộc chiến đấu mới.
Xuân Mai Corp
Xuân Mai Corp – doanh nghiệp xây dựng có tiếng hiện nay – trước đây doanh nghiệp này mang cái tên khác – CTCP Bê tông và Xây dựng Vinaconex Xuân Mai với 10 triệu cổ phiếu niêm yết trên thị trường chứng khoán. Cổ phiếu XMC của công ty thời đó có khi lên đến giá 45 – 50 ngàn đồng. Năm 2013, Xuân Mai đã đưa ra một quyết định bất ngờ khi hủy niêm yết tự nguyện cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Không chỉ thế, Vinaconex – công ty mẹ đã chuyển nhượng toàn bộ 51% vốn điều lệ sang cho một cái tên mới – Công ty TNHH Khải Hưng.
Công cuộc lột xác của Xuân Mai vẫn chưa chấm dứt. Sau 3 năm ẩn mình, năm 2016 Xuân Mai đã tiến hành tái cơ cấu hoàn toàn, cổ đông ban đầu đã gần như thay đổi hết, lột xác và xuất hiện trở lại với một bộ dạng mới. Cái mới của Xuân Mai bắt đầu tư cả cái tên đến cơ cấu cổ đông, quy mô vốn chủ sở hữu… Doanh thu và lợi nhuận theo báo cáo đã có sự tăn trưởng vượt bậc so với trước đó. Đồng thời tuyên bố sẽ đưa cổ phiếu trở lại niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Vẫn chỉ là lời hứa, gần 1 năm sau tuyên bố trên, đầu năm 2017 Xuân Mai Corp lại một lần nữa lên tiếng, báo cáo kết quả tăng vốn điều lệ lên xấp xỉ 400 tỷ đồng, trong đó 4 cổ đông lớn đã có nhiều điểm khác biệt so với lần xuất hiện trước đó năm 2016. Và đến nay Xuân Mai Corp vẫn chưa niêm yết cổ phiếu trở lại trên sàn chứng khoán, quá trình lột xác của công ty vẫn tiếp diễn, Xuân Mai đã cứng cáp hơn, to lớn hơn thời “rút kén” năm 2013, nhưng vẫn chưa quyết định được thời điểm bò ra khỏi kén, vươn cánh bay lên.
Bông Bạch Tuyết
Gần đây, trên thị trường, cái tên Bông Bạch Tuyết (BBT) được nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần. Bông Bạch Tuyết trước đây là một trong những doanh nghiệp đầu ngành về bông đưa cổ phiếu lên niêm yết từ năm 2004 và trải qua thời kỳ bùng nổ của chứng khoán những năm 2006-2007.
Thế nhưng, những quyết định đầu tư thua lỗ, những sai lầm nối tiếp sai lầm trong những con số báo cáo, những sai lầm của ban lãnh đạo cũ bị phát giác, nội bộ công ty thường xuyên xảy ra xung đột…đã khiến Bông Bạch Tuyết rơi vào thế lao đao, thua lỗ nặng nề và quyết định hủy niêm yết vào năm 2009. Nhiều cổ đông đã hầu như mất hết hy vọng giá trị tài sản được phục hồi.
Tuy nhiên, không nản lòng, ban lãnh đạo Bông Bạch Tuyết vẫn âm thầm lèo lái công ty, thanh toán dần nợ nần, và dự kiến sẽ có bộ mặt rất mới trong thời gian tới khi tại ĐHCĐ thường niên năm 2017 vừa qua đã có rất nhiều bất ngờ trong việc tăng vốn và cơ cấu cổ đông cũng dự kiến sẽ có rất nhiều biến động.
Việc đăng ký giao dịch cổ phiếu trên UpCOM của Bông Bạch Tuyết đến nay vẫn đang bị bỏ ngỏ dù hạn cuối đã qua; vẫn còn nhiều tranh cãi giữa các cổ đông về sự trì hoãn này. Tuy thế, kết quả kinh doanh của Bông Bạch Tuyết đã tốt hẳn lên khi lợi nhuận đạt được năm 2016 gấp 3 lần chỉ tiêu, và dự kiến tăng trưởng tiếp 65% trong năm 2017.
Tin mới nhất, Bông Bạch Tuyết đã chính thức chốt danh sách cổ đông để nộp hồ sơ đăng ký giao dịch cổ phiếu BBT trên HNX. Sau 8 năm “rút vào trong kén” kể từ ngày bị hủy niêm yết trên HoSE, cổ phiếu BBT của Bông Bạch Tuyết từng một thời quen thuộc với nhà đầu tư sắp sửa trở lại thị trường chứng khoán, quyết định “lột xác” bay lên.
Becamex IJC
Khác một tí với Xuân Mai Corp và Bông Bạch Tuyết, thị trường cuối năm 2016 đầu năm 2017 lại đặt sự quan tâm lớn tới Becamex IJC. Sau thời gian tăng nóng, Becamex IJC có vốn điều lệ lên đến 2.742 tỷ đồng nhưng kết quả kinh doanh lại không phản ánh đúng với quy mô vốn của doanh nghiệp.
Sau hàng loạt các thông báo sẽ giảm vốn, tái cơ cấu lại doanh nghiệp, đến đầu năm 2017 Becamex IJC ra quyết định chưa có tiền lệ trên thị trường – mua lại một nửa số cổ phần của cổ đông với giá 10.000 đồng/cp để giảm một nửa vốn điều lệ. Đồng thời với đó, công ty cũng quyết định tạm ngừng giao dịch trên thị trường chứng khoán để kiện toàn lại bộ máy.
Hơn 3 tháng sau, cuối tháng 4/2017 Becamex IJC đã giao dịch trở lại và ngay lập tức cổ phiếu IJC của công ty đã có mức tăng đáng kể, có lúc lên trên mức 13.000 đồng/cổ phiếu và hiện đang giao dịch quanh vùng giá 12.000 đồng/cổ phiếu.
“Cái kén” hủy niêm yết, hủy giao dịch cổ phiếu để tái cấu trúc, để kiện toàn lại doanh nghiệp đang được nhiều doanh nghiệp sử dụng hiệu quả. Và cho đến nay phần lớn các doanh nghiệp sau khi tích lũy đủ thời gian trong “cái kén”, đã có thể cất cánh vươn lên và bay cao hơn trước đó.
Tùy vào mỗi thời điểm, mỗi diễn biến mà các doanh nghiệp chọn cho mình những “cái kén” khác nhau để dưỡng sức và tìm cách thoát kén bay lên đúng thời điểm, phù hợp với tình hình phát triển thị trường mới.