Cơ chế 3 bên gồm: Chính phủ, công đoàn và chủ sử dụng lao động trong quản trị lao động đi làm việc ở nước ngoài đang được đề xuất. Việc làm này nhằm đảm bảo quyền hợp pháp cho người lao động Việt Nam trong tuyển dụng, thu nhập, chính sách bảo hiểm khi làm việc ở nước ngoài cũng như hỗ trợ khi về nước.
Phía Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhấn mạnh việc phải sửa đổi, bổ sung “Luật về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng”. Theo đó, việc sửa đổi nhằm tăng cường vai trò của công đoàn với tư cách là tổ chứ đại diện và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động cũng như vào quá trình xây dựng luật pháp, chính sách và chương trình.
Luật này, được gọi là Luật 72, có hiệu lực năm 2007, hiện nay đang trong quá trình rà soát để sửa đổi bổ sung.
Phía Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Giám đốc Chang-Hee Lee nói rằng các dòng người di cư cần được quản lý thông qua sự đồng thuận của 3 bên gồm Chính phủ, công đoàn và người sử dụng lao động.
“Công đoàn đại diện cho tiếng nói của người lao động trong cơ cấu ba bên của ILO. Nếu không có tiếng nói mạnh mẽ này thì việc ‘ba bên đều thắng’, nghĩa là di cư mang lại lợi ích cho cả người sử dụng lao động, người lao động và nhà nước, không thể thực hiện được”, ông Lee nhấn mạnh.
Số liệu của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết có khoảng 134.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong năm 2017. Trong đó, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc, Ả Rập Xê-Út và Malaysia là những điểm đến hàng đầu của lao động Việt Nam. Số lượng lao động nữ tăng liên tục hàng năm, nhiều người trong số này làm việc trong lĩnh vực giúp việc gia đình, tại các quốc gia trong đó có Ả Rập Xê Út.
Nghiên cứu gần đây của ILO cho biết 76% người lao động Việt Nam sang làm việc ở Malaysia và Thái Lan phải chịu một số hình thức vi phạm quyền lao động và tiếp cận rất hạn chế với các biện pháp khắc phục pháp lý trong thời gian làm việc ở đó. Rất ít người tham gia vào các tổ chức công đoàn tại nơi đến làm việc.
So với lao động di cư từ Campuchia, Myanmar và Lào, người lao động Việt Nam chịu chi phí di cư cao nhất. Phải trả nhiều tiền hơn để đi làm việc ở nước ngoài và phải vay mượn để thanh toán cho những khoản chi phí đó làm cho người lao động dễ bị rơi vào tình trạng lệ thuộc vì nạn và buôn bán người.
Ông Michael R. DiGregorio, Đại diện Quỹ Châu Á ở Việt Nam cho biết: “Để bảo vệ quyền của lao động di cư, cán bộ công đoàn cơ sở của Tổng liên đoàn có thể đóng vai trò quan trọng trong việc truyền thông tại cộng đồng và tư vấn về di cư an toàn cho người lao động di cư tiềm năng và thành viên trong gia đình họ”.
“Tuy nhiên, các cán bộ này thường thiếu thông tin và kỹ năng để hỗ trợ, tư vấn hiệu quả cho người lao động ở cộng đồng trước khi xuất cảnh”, ông này nói thêm.