Cho vay nặng lãi quá cao có thể bị xử lý hình sự

Trên các tuyến phố, ngõ ngách ở Hà Nội xuất hiện nhiều tờ rơi quảng cáo với nội dung “Cho vay trả góp, hỗ trợ tài chính”, thủ tục cho vay đơn giản và có thể giải ngân trong một thời gian ngắn.

Theo các chuyên gia trong ngành ngân hàng, thực chất, đây là hoạt động cho vay với lãi suất cao, hay còn được gọi là “tín dụng đen”, một cách kinh doanh tài chính không lành mạnh, dễ gây mất an ninh trật tự và ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống xã hội.

Dù không phải là hình thức kinh doanh hợp pháp, nhưng thị trường “tín dụng đen” vẫn tồn tại từ nhiều năm nay với các hình thức như cầm đồ, ủy thác, góp vốn làm ăn, hay dịch vụ tín dụng tự phát… Đặc điểm chung của hình thức vay này là lãi suất cao ngất ngưởng, không chỉ vài nghìn đồng cho mỗi triệu tiền vay mà nếu tính theo % có thể lên tới hàng trăm phần trăm, tức tiền lãi còn nhiều hơn cả tiền gốc.

Nhiều người vay tín dụng đen do lãi quá cao, lãi mẹ đẻ lãi con nhưng không có khả năng chi trả đã bị các đối tượng cho vay thuê “xã hội đen” khủng bố đòi nợ. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới bản thân người đi vay mà còn ảnh hưởng tới gia đình và xã hội.

Cho vay nặng lãi quá cao có thể bị xử lý hình sự - Ảnh 1.

“Tín dụng đen” không chỉ ảnh hưởng tới bản thân người đi vay mà còn ảnh hưởng tới gia đình và xã hội. (Ảnh minh họa: KT)

Luật sư Phạm Chính Tâm, Công ty Luật TNHH Legal max cho biết, nếu xét trên góc độ cho vay chuyên nghiệp, có thể phân khúc thị trường làm 3 mảng: mảng vay từ Ngân hàng (thường lãi thấp), mảng vay tín dụng tiêu dùng (lãi cao) và “tín dụng đen” (lãi vay rất cao, hay thường được gọi là cho vay nặng lãi).

Đối với ngân hàng và các công ty tài chính, pháp luật cho phép các chủ thể này thỏa thuận mức lãi suất với khách hàng. Còn đối với “tín dụng đen”, về bản chất là vay dân sự giữa các tổ chức/cá nhân với nhau, mức lãi suất phải tuân thủ theo quy định của Bộ luật dân sự 2015. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay.

Theo Luật sư Tâm, Bộ luật hình sự năm 2015 cũng quy định về tội cho vay nặng lãi, trong giao dịch dân sự nếu người nào cho vay với lãi suất gấp 5 lần mức lãi suất cao nhất được quy định trong Bộ Luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.

Phạm tội thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng trở lên thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề từ 1-5 năm.

Luật sư Phạm Chính Tâm cho rằng, pháp luật đã có những quy định rõ ràng và đầy đủ về mặt dân sự cũng như hình sự. Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cũng có các quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng. Tuy nhiên, trên thực tế các hoạt động “tín dụng đen” chủ yếu được thực hiện thông qua các giao dịch dân sự, muôn hình vạn trạng nên rất khó kiểm soát. Bên cạnh đó, những người khi cần tiền không biết vay ai, vay ở đâu nên đành tặc lưỡi chấp nhận “tín dụng đen” với lãi suất cắt cổ. Đây cũng là yếu tố tạo thuận lợi cho thị trường “tín dụng đen” phát triển.

“Để siết chặt quản lý thị trường “tín dụng đen”, giải pháp hữu hiệu nhất là tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng của người dân thông qua các tổ chức tín dụng đã được cấp phép. Đồng thời, khuyến khích người dân khiếu nại, tố cáo, khiếu kiện đối với các trường hợp cho vay trái pháp luật”, luật sư Phạm Chính Tâm cho hay./.

Cho vay nặng lãi sẽ bị chặn

Bài viết mới