Bộ Tài chính cho hay đang nghiên cứu vấn đề đánh thuế tài sản, trong đó có việc đánh thuế lên căn nhà thứ hai trở đi. Mục tiêu là bình ổn thị trường bất động sản (BĐS), chống đầu cơ và sử dụng đất đai lãng phí.
Tuy nhiên, tại buổi hội thảo với chủ đề “Hai kịch bản từ việc đánh thuế sở hữu nhà ở thứ hai” tổ chức ngày 7-9 tại Hà Nội, nhiều ý kiến cho rằng thực hiện sắc thuế này vào thời điểm hiện nay là chưa phù hợp và có thể sẽ giết chết thị trường BĐS cho thuê.
Lo nhà đẹp biến mất, chỉ còn nhà lụp xụp
GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, dù ủng hộ việc tăng thuế đất phi nông nghiệp cũng như thuế BĐS nhưng khuyến nghị cơ quan chức năng cần phải tính toán cụ thể về đề xuất đánh thuế căn nhà ở thứ hai trở lên.
“Đánh thuế vào cái gì, giá trị hay diện tích? Nếu đánh vào giá trị thì sẽ không còn nhà đẹp nữa, vì chả ai dại gì mà đầu tư xây nhà đẹp để chịu thuế cao hơn. Khi đó sẽ chỉ còn nhà tạm bợ thôi. Do vậy, nếu đánh thuế thì chỉ nên đánh theo diện tích nhà” – ông Võ đề nghị.
Ông Võ cũng cho rằng không nên khuyến khích người dân mua bán đất thô (mua đất rồi để không – PV) mà khuyến khích đầu tư vào đất. Tuy nhiên, nếu đánh thuế sở hữu nhà thứ hai trở lên tức là đánh vào việc đầu tư trên đất. Mặt khác, nếu đánh thuế nhà thứ hai trở đi, phần tỉ trọng kinh doanh của thị trường BĐS sẽ giảm. Bởi các công ty BĐS sẽ chủ yếu bán cho người dân để ở, còn việc cho thuê và kinh doanh nhà chắc chắn sẽ tuột dốc.
“Đánh thuế nhà thứ hai là đánh vào phân khúc nhà cho thuê, đánh vào chủ trương nhà ở xã hội mà chủ yếu là nhà cho thuê. Người có nhà cho thuê sẽ giảm, kéo theo nguồn cung nhà cho thuê đi xuống. Nhà đầu tư thứ cấp trong BĐS cũng sẽ giảm, kéo thị trường BĐS bị ảnh hưởng. Do đó chúng ta cần thận trọng” – ông Võ phân tích.
Thị trường nhà đất sẽ bị ảnh hưởng nhiều nếu chủ trương đánh thuế căn nhà thứ hai đi vào thực tế. Ảnh: QUANG HUY
Đại diện một công ty nhà đất thì cảnh báo nếu đánh thuế căn nhà thứ hai có thể sẽ giết chết thị trường nhà cho thuê. Lý do là khi người mua nhà thứ hai bị đánh thuế thì người ở nhà thuê sẽ phải chịu phần tăng giá từ việc tăng thuế, như vậy sẽ rất khó khăn với người thuê nhà ở bởi những người thuê nhà thường là người có thu nhập thấp.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS, cũng đồng tình và nhận định: “Đánh thuế nhà thứ hai làm ảnh hưởng tới thị trường nhà cho thuê. Người ta có 1-2 cái nhà cho thuê, nếu đánh thuế cao lên thì không cho thuê nữa, bán rẻ bán tháo. Hệ quả là chúng ta mất thuế cho thuê nhà. Cần lưu ý hiện ở các nước tư bản phát triển, thị trường nhà cho thuê chiếm tới 70%, còn ở Việt Nam mới chỉ xấp xỉ 10%, một con số quá thấp”.
Dẫn ra kinh nghiệm năm 2009 khi thị trường BĐS bị siết chặt, ông Hà nói: “Thị trường BĐS lúc đó rất khó khăn, nhiều công ty phá sản kéo theo nợ xấu, sản xuất vật liệu xây dựng bị đình đốn, công nhân thất nghiệp. Bởi vậy những sắc thuế đưa ra trong thời điểm này phải cân nhắc kỹ”.
Đánh thuế nhà đất bỏ hoang
Ủng hộ phải có lộ trình ban hành thuế tài sản, trong đó có thuế BĐS nhưng ông Vũ Văn Phấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS Bộ Xây dựng, nhấn mạnh trước hết phải xem xét, chỉnh sửa ngay thuế sử dụng đất phi nông nghiệp. “Hiện thuế đất phi nông nghiệp mới đánh vào đất, chưa đánh vào nhà. Mức thuế cũng chưa đủ để người sử dụng đất tiết kiệm và không chống được đầu cơ” – ông Phấn nói.
Ông Phấn cũng nêu thực tế nhiều dự án khu đô thị đã triển khai nhưng không ít người mua biệt thự, các lô đất rồi để không rất nhiều. Thế nên nếu sửa thuế sử dụng đất phi nông nghiệp theo hướng từ lô đất thứ hai trở đi phải chịu thuế thì chắc chắn đất đai sẽ không bị bỏ không như hiện nay.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, tán đồng với đề xuất sửa đổi thuế sử dụng đất phi nông nghiệp. Bởi nếu sửa đổi ở mức hợp lý thì sẽ phát triển thị trường lành mạnh và Nhà nước cũng có nguồn thu tốt hơn.
“Tôi cho rằng cần thiết đánh thuế tài sản trên đất nhưng tại thời điểm này là chưa phù hợp. Mặt khác, nên đánh thuế tài sản chứ không chỉ là đánh thuế sở hữu nhà ở thứ hai trở lên. Bởi nếu người có một ngôi nhà có diện tích 1.000 m2 không bị đánh thuế trong khi người có hai nhà mỗi nhà 50 m2 lại bị đánh thuế thì sẽ vô lý. Còn nếu điều tra, đánh giá từng BĐS để đánh thuế thì sẽ khó khăn và phức tạp, do đó nếu đánh thuế thì đánh hết” – ông Hải nhấn mạnh
Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Nguyễn Mạnh Hà đề xuất nhà đất bỏ hoang, đất không sử dụng cần phải đánh thuế cao. Còn những nhà đất cho thuê thì bản thân người cho thuê nhà đã phải nộp thuế thu nhập cá nhân khi cho thuê rồi nên việc đánh thuế nhà ở cần phải được giảm hơn.
Tránh tình trạng thuế chồng thuế
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS, nói: “Chúng ta đồng ý với nhau là cần đánh thuế tài sản nhưng thuế sử dụng đất phi nông nghiệp hiện tại đã là thuế tài sản rồi. Hơn nữa, việc đánh thuế sử dụng đất phi nông nghiệp không nên đánh trên giá trị của đất.
“Ở các nước Úc, Singapore, Anh, người ta đánh thuế trên cơ sở sinh lợi từ đất đai. Ví dụ hằng năm một hộ cho thuê, thu hoa màu được bao nhiêu thì đánh thuế trên giá trị thu được đó. Còn nếu đất để không thì thậm chí còn bị đánh thuế cao hơn. Có như vậy mới khuyến khích người dân sử dụng đất” – ông Hà nói.
Trong khi đó, ông Vũ Văn Phấn, Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS Bộ Xây dựng, nhấn mạnh: “Phải thống nhất quan điểm rằng thuế tài sản phải đạt được mục tiêu chống đầu cơ nhà đất; không ảnh hưởng tới người nghèo, người thuộc diện chính sách xã hội; đảm bảo rằng sắc thuế này không gây ra tình trạng thuế chồng thuế khi đặt bên cạnh thuế sử dụng đất phi nông nghiệp. Thời điểm này thì chưa nên đặt ra sắc thuế tài sản”.
Thuế không phải là chìa khóa vạn năng
Bộ Tài chính hiện mới bắt đầu nghiên cứu đánh thuế căn nhà thứ hai. Chúng ta hãy bình tĩnh vì đánh thuế nhà ở thứ hai phải mất nhiều thời gian để nghiên cứu mới có thể ban hành. Hiện đã có nhiều chính sách thuế liên quan đến BĐS. Tuy vậy, chúng ta không thể coi thuế là chìa khóa vạn năng mà thuế chỉ tham gia vào điều tiết thị trường, dựa trên nền tảng kinh tế.
Ông NGUYỄN VĂN PHỤNG, Vụ trưởng Vụ Doanh nghiệp
lớn Tổng cục Thuế