Là doanh nghiệp gắn bó với Vân Đồn ( Quảng Ninh ) từ rất sớm, ông Tạ Đức Quyết, Giám đốc Công ty Du lịch Mai Quyền, huyện Vân Đồn cho biết, hơn ai hết ông rất mong Quốc hội sớm thông qua Luật Đặc khu. Bởi bộ luật này có rất nhiều ưu điểm vượt trội, đủ sức cạnh tranh quốc tế, khuyến khích các nhà đầu tư, các doanh nghiệp phát huy khả năng của mình.
“Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, chưa thể thông qua Luật. Tuy nhiên, xét một cách sâu xa, đây là dự án luật mới, phức tạp, chưa có tiền lệ với nhiều quy định về cơ chế, chính sách, về tổ chức bộ máy mang tính đột phá. Do đó, trong khi quan điểm, ý kiến của các đại biểu Quốc hội và cử tri về một số nội dung còn khác nhau, việc Quốc hội lùi thời gian thông qua là hợp lý để có thêm thời gian nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến xác đáng nhằm hoàn thiện dự án. Điều này thể hiện tính cầu thị, lắng nghe ý kiến nhân dân của Quốc hội”, ông Tạ Đức Quyết, Giám đốc Công ty Du lịch Mai Quyền nói.
Cùng quan điểm, ông Lê Hồng Quân, Tổng Giám đốc CICT Cái Lân (Quảng Ninh) cho biết, xây dựng Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Ông ủng hộ chủ trương này, bởi đây sẽ là cơ hội để chọn lọc được các nhà đầu tư chiến lược, tầm cỡ, khai thác tốt hiệu quả của một đơn vị diện tích đất.
Theo ông Quân, các đặc khu hình thành sẽ có thêm các nhà đầu tư lớn, tiềm năng, có kinh nghiệm trong nước và quốc tế đến đầu tư, hoạt động giao lưu quốc tế được mở rộng. Đây là cơ hội để doanh nghiệp của ông đang kinh doanh lĩnh vực cảng biển nước sâu tại miền Bắc mở rộng mối hàng thông thương quốc tế, tăng năng lực, khả năng và hiệu quả kinh doanh.
Theo ông, đặc khu nói chung và Đặc khu Vân Đồn nói riêng khi hình thành, lưu lượng hàng hóa và thiết bị để xây dựng chuyển về Vân Đồn sẽ tăng cao, là thời cơ cho cảng CICT Cái Lân phát huy tốt năng lực, trang thiết bị đầu tư trước đó. Quảng Ninh sẽ có thuận lợi để phát huy lợi thế cảng biển, quảng bá tiềm năng, thế mạnh về vận tải biển đến với bạn hàng quốc tế.
“Quốc hội thống nhất tạm thời lùi thời gian thông qua dự thảo luật vào kỳ họp sau để nghiên cứu kỹ lưỡng hơn, chúng tôi cũng rất ủng hộ và hy vọng đạo luật này sớm được thông qua”, ông Lê Hồng Quân, Tổng Giám đốc CICT Cái Lân
Trong khi đó, ông Nguyễn Khắc Thảo, Giám đốc Công ty TNHH Thanh Thảo, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp TP.Uông Bí (Quảng Ninh) cho biết, trên quan điểm của một doanh nghiệp, ông đánh giá các khu hành chính – kinh tế đặc biệt nếu trở thành hiện thực thì sẽ là cách làm rất đặc biệt để tạo cực tăng trưởng và phát triển vùng có tính đột phá, có sức lan tỏa lớn, thu hút đầu tư mạnh mẽ, nhất là đầu tư nước ngoài.
Qua đó, vừa bảo đảm kinh tế đất nước phát triển bền vững, vừa bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia. Và để hiện thực hóa điều này thì không có cách nào khác buộc phải xây dựng và được thông qua dự án Luật Đặc khu.
Ông Thảo cho biết, bản thân ông rất ủng hộ điều này và cũng mong các doanh nghiệp nói chung cùng nhân dân bình tĩnh, tin tưởng vào các quyết định của Đảng, Nhà nước.
“Tuy nhiên, tôi cũng mong muốn các nhà làm luật tranh thủ trong thời gian Quốc hội lùi thông qua dự thảo luật để nghiên cứu kỹ, hoàn thiện, đưa ra những cơ chế chính sách hợp lý, hiệu quả và có giá trị lâu dài nhất, là hành lang pháp lý để các đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt trong đó có Vân Đồn thực hiện được sứ mệnh của mình”, ông Thảo nói.
Liên quan đến vấn đề này, bà Vũ Thị Thanh Ni, thôn Đồng Thành, xã Đông Xá, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) cho biết, là người dân Vân Đồn, một trong 3 địa phương được chọn thành lập Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, hơn ai hết chúng tôi mong muốn dự án Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt sớm được thông qua.
Điều này cũng đã được thể hiện qua những lá phiếu lấy ý kiến về chủ trương thông qua đề án thành lập Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn vào tháng 10/2017. Theo đó, 29.995 người trong tổng số 30.364 người được lấy ý kiến đã đồng ý với đề án, đạt tỷ lệ tới 98,78%.
“Việc lùi thời gian thông qua Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt sang kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV là một trong những quyết định cần thiết của Quốc hội và Chính phủ, thể hiện sự lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, trí thức và nhân dân để hoàn thiện luật của Đảng, Nhà nước và Chính phủ”, bà Ni nói.