Ông Nguyễn Đình Cung: Bộ Công Thương đang tư duy không nhất quán

Với dự thảo Nghị định về phát triển và quản lý ngành phân phối do Bộ Công Thương soạn thảo, TS Nguyễn Đình Cung cho rằng, Bộ này đang cho thấy sự mâu thuẫn lớn giữa lời nói và việc làm.

Đầu tháng 6/2018, Bộ Công Thương đã công bố dự thảo Nghị định về phát triển và quản lý ngành phân phối (các cửa hàng, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm…).

Dự thảo này đưa ra nhiều quy định bị các nhà bán lẻ, hiệp hội đánh giá là rất “lạ đời”, vẽ ra nhiều giấy phép con cản trở người kinh doanh.

Ví như, dự thảo của Bộ Công Thương quy định siêu thị phải có diện tích kinh doanh từ 250 m2 đến 10.000 m2. Siêu thị, trung tâm thương mại phải mở tất cả ngày trong tuần kể cả ngày lễ, tối thiểu từ 10 giờ đến 22 giờ.

Hay, mỗi năm, các siêu thị, trung tâm thương mại chỉ được tổ chức 3 đợt bán hàng giảm giá, các đợt giảm giá phải được chấp thuận bởi cơ quan có thẩm quyền, mỗi đợt giảm giá phải diễn ra trong tối thiểu 30 ngày…

Trao đổi với phóng viên bên lề một sự kiện ngày 13/6, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Quản lý trung ương (CIEM) đánh giá, đây là sự can thiệp quá mức vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

“Hãy để cho doanh nghiệp tự do sáng tạo, tự tìm kiếm một cách thức tốt nhất để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Quan trọng là nhu cầu thị trường và người ta nhìn thị trường thế nào để hoạt động. Cơ quan quản lý nhà nước nếu quy định như vậy chỉ làm phức tạp thêm tình hình và giảm hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, làm ngăn cản thị trường”, ông Cung nói.

Cũng theo vị Viện trưởng này, những quy định mà Bộ Công Thương đưa ra là không cần thiết và cơ quan nhà nước, đặc biệt là Bộ này nên đi sâu vào việc giám sát việc các doanh nghiệp hoạt động có đảm bảo cạnh tranh công bằng hay không.

“Đối với hoạt động của các siêu thị, không nên đặt ra điều kiện không công bằng trong việc người sản xuất đưa hàng vào siêu thị, phải đảm bảo một khi tiếp cận, bất cứ người sản xuất nào đều có quyền bán hàng vào siêu thị và siêu thị đó không được đặt ra những điều kiện có tính chất phân biệt đối xử trong việc đưa hàng vào. Đó mới là cái cần thiết chứ không phải là quảng cáo thế nào, mở hàng vào giờ nào…

Nghĩa là phải dựa trên nguyên tắc bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ người sản xuất, cạnh tranh công bằng. Đáng lý ra, Bộ Công Thương phải đi đầu trong việc này, tại sao lại đưa ra những chính sách không cần thiết như thế?”, ông Cung nói thêm.

Đặt trong bối cảnh Bộ Công Thương vừa tuyên bố cắt giảm hàng trăm điều kiện kinh doanh, TS Nguyễn Đình Cung bình luận, với dự thảo Nghị định này đã cho thấy một tư duy không nhất quán, không chuyển đổi thực sự sang cơ chế thị trường, khiến người dân nghi ngờ về cam kết cải cách, nghi ngờ dăm bữa nửa tháng lại mọc thêm rất nhiều, rất nhiều giấy phép con.

“Bộ Công Thương nên tiếp cận vấn đề theo một cách khác để người dân không nghi ngờ về tính nhất quán của cải cách thủ tục hành chính mà lâu nay Bộ Công Thương đang là đơn vị đi đầu”, ông Cung khuyến nghị.

Trong khi đó, thông tin từ Bộ Công Thương vừa cho biết, ban soạn thảo đã thay tên dự thảo Nghị định về phát triển và quản lý ngành phân phối bằng Nghị định về quản lý và phát triển hạ tầng thương mại.

Cơ quan này khẳng định, mục tiêu của Nghị định là nhằm tạo hành lang pháp lý, tạo môi trường minh bạch, thuận lợi thúc đẩy sự phát triển đồng bộ đối với các loại hình kết cấu hạ tầng thương mại, trong đó bao gồm chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm, cửa hàng tiện lợi và các hoạt động kinh doanh có liên quan…

“Dự thảo Nghị định sẽ không tạo thêm điều kiện kinh doanh, không làm phát sinh các giấy phép con, gây cản trở cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp”, Bộ Công Thương khẳng định.

Đồng thời, Bộ Công Thương cho biết, sẽ tiếp thu mọi ý kiến đóng góp của các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, cá nhân có liên quan, đồng thời đã và đang xem xét chỉnh sửa để hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định về phát triển và quản lý hạ tầng thương mại.

Dự thảo quản lý siêu thị: Bình mới, rượu cũ?

Bài viết mới