Với mức tiêu thụ khoảng 6 tỷ USD/năm, tăng trưởng trung bình hàng năm trên 30% và hơn 33 triệu người tham gia, ngành sản xuất và tiêu dùng mỹ phẩm tại Việt Nam đang được các doanh nghiệp (DN) nước ngoài đánh giá là thị trường hấp dẫn, tiềm năng nhất khu vực Đông Nam Á.
Tuy nhiên, tình trạng mỹ phẩm giả, lậu, vẫn chưa được kiểm soát tốt trên thị trường, khiến các DN sản xuất trong nước mất dần khả năng cạnh tranh, đồng thời cũng là mối lo ngại của các DN nước ngoài khi đầu tư vào thị trường Việt Nam.
Mỹ phẩm bán tràn lan ngoài thị trường, NTD khó phân biệt được đâu là hàng thật, hàng dỏm.
“Có khoảng 75% thị phần mỹ phẩm bán ngoài thị trường là hàng giả và hàng nhập lậu, 25% chỉ có còn lại hàng chính hãng. Đặc biệt, 100% các sản phẩm nước hoa và sáp vuốt tóc bày bán tại các chợ không phải hàng thật”, bà Nguyễn Ngọc Tuyết Trinh, Giám đốc Truyền thông và Đối ngoại Công ty TNHH LOreal Việt Nam lo ngại.
Theo ghi nhận của PV, “thị phần” mỹ phẩm giả, được bán nhiều nhất là ở các chợ tạm, chợ cho sinh viên, cho công nhân… Đơn cử, tại chợ tạm Bình Tây, người bán chào hàng một lố son Matta (24 thỏi), xuất xứ Hàn Quốc với giá 265.000 đồng. Như vậy, tính ra mỗi thỏi son chỉ có giá 11.000 đồng. Trong khi đó, sản phẩm son ngoại nhập ít nhất cũng vài trăm ngàn đồng/sản phẩm.
Ngoài mặt hàng son, các sản phẩm chống nắng, trị nám, sáng da, mờ vết thâm, chống lão hóa… với những nhãn hiệu na ná hàng thật như Lamcome (thay vì Lancome), Kenzzo (thay vì Kenzo)… bày bán công khai với giá chỉ trên dưới 20.000 đồng/sản phẩm.
Đánh vào tâm lý chuộng hàng ngoại của người tiêu dùng (NTD), các sản phẩm “hàng xách tay” cũng đua nhau vào các chợ trung tâm TP, cửa hàng, shop, spa, cơ sở thẩm mỹ… đa dạng xuất xứ Pháp, Mỹ, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan… với giá siêu mềm.
Như nước hoa hồng Evduderm Lotion Tonique củả Pháp (250ml) bán giá 170.000 đồng/sản phẩm, thế nhưng “hàng xách tay” chỉ có giá 100.000/sản phẩm (250ml) và 180.000 đồng/sản phẩm (500ml); Tương tự, dưỡng chất khoáng cô đặc Minéral 89 (50ml) của nhãn hàng Vinchy bán với giá 1 triệu đồng, nhưng “hàng xách tay” chỉ ở mức 700.000 đồng/sản phẩm…
Có cửa hàng còn mạnh miệng: “Nếu khách hàng nào phát hiện sản phẩm của cửa hàng bán ra là hàng giả, hàng dỏm, xin hoàn lại tiền đến 300%”. Tuy nhiên, thực tế khi kiểm tra, kiểm soát thị trường, Quản lý thị trường (QLTT) đã phát hiện, thu giữ số lượng lớn mỹ phẩm giả, mỹ phẩm lậu tại các chợ, cửa hàng, trung tâm thương mại, trung tâm làm đẹp.
Như trong năm 2017, Chi cục QLTT TP Hồ Chí Minh kiểm tra, phát hiện 339 vụ mỹ phẩm vi phạm (tăng 114 vụ so 2016), thu giữ 1.250kg nguyên liệu sản xuất mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, 13.108 sản phẩm giả mạo nhãn hiệu, hơn 467.000 sản phẩm không có hóa đơn chứng từ, vi phạm ghi nhãn hàng hóa (thông tin trên nhãn không đúng với thực tế, không công bố tiêu chuẩn…). Tổng số tiền phạt hơn 4,4 tỷ đồng.
Hiện trung bình mỗi năm, người Việt Nam tiêu dùng khoảng 6 tỷ USD cho mỹ phẩm và các sản phẩm làm đẹp với 33 triệu người tham gia. Trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng tiêu dùng của người dân Việt Nam đối với ngành mỹ phẩm sẽ đạt mức trên 30%. Mặc dù thị trường khá hấp dẫn, nhưng hiện các DN sản xuất trong nước vẫn chưa khai thác tốt thị trường này, sản phẩm của các DN trong nước chỉ chiếm khoảng 5% thị phần và tập trung ở phân khúc cấp thấp, bình dân.
Chính vì vậy mà các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá Việt Nam là thị trường tiềm năng vào bậc nhất khu vực Đông Nam Á. Đây cũng là lý do mà trong nhiều năm qua, các nhà đầu tư nước ngoài luôn tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam.
Mới đây nhất, ngày 14-6, có hơn 200 DN đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ như: Ý, Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Thái Lan… tham gia triển lãm quốc tế về chuyên ngành làm đẹp (tổ chức tại TP Hồ Chí Minh) để tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Đại diện đoàn DN Hàn Quốc cho biết, từ năm 2017 đến nay, số lượng sản phẩm DN Hàn Quốc tham gia thị trường Việt Nam từ 100 sản phẩm đã tăng lên 400 sản phẩm.
Riêng trong tháng 6-2018, sẽ có khoảng 110 DN Hàn Quốc đến tìm kiếm cơ hội liên kết với DN Việt Nam để xây dựng hệ thống đại lý, phân phối trong nước; Đại diện Hiệp hội DN châu Âu cũng thông tin, trong 3 năm qua, rất nhiều DN châu Âu phát triển tốt nhờ tiêu thụ sản phẩm tại thị trường Việt Nam. Nhiều DN châu Âu đang chọn Việt Nam làm “điểm đến” từ nay đến năm 2025.
Các chuyên gia cho rằng, thị trường Việt Nam đang có khoảng trống lớn, NTD đa số có tâm lý chuộng hàng ngoại nhập nên đây là lợi thế để các DN ngoại có cơ hội khai thác sâu thị trường nội địa.
Tuy nhiên, hiện nay tình trạng “hàng xách tay”, nhập khẩu tiểu ngạch, hàng giả… chưa được kiểm soát, vẫn còn bán tràn lan trên thị trường đã phần nào khiến các nhà đầu tư nước ngoài nghi ngại, ảnh hưởng lớn đến môi trường đầu tư. Không những thế, hàng giả, hàng lậu, cũng chính là tác nhân “bóp chết” ngành sản xuất mỹ phẩm trong nước.
Ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch Hội Mỹ phẩm tinh dầu và hương liệu Việt Nam cho rằng, đã đến lúc phải nhìn nhận thực tế hiện nay là thị trường phân phối mỹ phẩm đang tồn tại nhiều bất cập. Nạn hàng gian, hàng giả phổ biến mang lại những hệ quả nặng nề cho NTD.
“Do vậy, các cơ quan chức năng cần tăng cường thanh, kiểm tra, áp dụng các biện pháp chế tài mạnh, răn đe đối tượng sản xuất, buôn bán hàng gian, hàng giả. Điều này không chỉ bảo vệ NTD mà còn tạo cơ hội để DN sản xuất chân chính tồn tại, phát triển”, ông Minh nói.
Để thị trường mỹ phẩm đi vào ổn định, cạnh tranh lành mạnh, nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh việc thu hút đầu tư nước ngoài, để cải thiện năng lực sản xuất cho ngành mỹ phẩm trong nước, rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ trong việc thiết lập trung tâm nghiên cứu sản phẩm mới, chiết xuất tinh chất, hương liệu để phát huy tối đa lợi thế nguồn nguyên liệu hiện có. Riêng đối với DN, cần hướng tới sản xuất theo tiêu chuẩn sản phẩm organic, phù hợp với xu hướng phát triển mới. Nếu không chuyển hướng kịp thời, thì e rằng thị phần hàng nội sẽ dần rơi vào tay của các nhà đầu tư ngoại ngay tại thị trường trong nước. Đình chỉ lưu hành 4 sản phẩm của Công ty cổ phần hóa mỹ phẩm Mỹ Hảo
|