Giá cà phê tiếp tục giảm sâu

Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Tư, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London tiếp tục suy yếu. Kỳ hạn giao ngay tháng 7 giảm thêm 23 USD, tức giảm 1,33%, xuống mức 1.706 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 9 giảm thêm 22 USD, tức giảm 1,28%, xuống ở mức 1.693 USD/tấn. Khối lượng giao dịch khá cao trên mức trung bình.

Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York cũng đảo chiều giảm. Kỳ hạn giao ngay tháng 7 giảm 1 cent, tức giảm 0,85%, xuống ở mức 116,35 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 9 giảm 0,9 cent, tức giảm 0,75%, xuống ở mức 118,6 cent/lb. Khối lượng giao dịch duy trì rất cao trên mức trung bình.

Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên giảm thêm 400 – 500 đồng/kg, xuống dao động trong khung 34,5 – 35,4 triệu đồng/tấn.

Giá cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, 5% đen vỡ, đứng ở mức 1.573 USD/tấn, FOB – HCM, với chênh lệch trừ lùi ở mức 105 – 110 USD theo giá kỳ hạn tháng 9 tại London .

Quyết định tăng lãi suất USD lần thứ 2 trong năm 2018 thêm 0,25% nữa được Fed đưa ra sau phiên họp chính sách lần này đã không gây bất ngờ cho các thị trường do hầu hết gần như đã đoán chắc. Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên là Fed đưa ra ý tưởng không chỉ tăng lãi suất 3 lần trong năm nay như trong các tuyên bố trước mà là có thể tới 4 lần. Cho dù vậy, thị trường đã phản ứng khá mạnh với những giao dịch cận biên, giá cà phê trên cả hai sàn đã giảm xuống mức thấp nhất tháng, nhưng tuyệt nhiên không có dấu hiệu cho thấy bất kỳ sự hoảng loạn nào. Như thường thấy, dòng vốn đầu cơ trên các thị trường hàng hóa đã chọn mặt hàng vàng, dầu thô để chảy vào và tất nhiên, mặt hàng cà phê buộc phải gồng mình chịu trận.

Bên cạnh đó là sức ép vụ mùa “kỷ lục” năm nay của Brazil vẫn còn nguyên, trong khi xuất khẩu cà phê tháng 5 bị dồn ứ lại vì cuộc đình công kéo dài 10 ngày cuối tháng của các tài xế xe tải. Báo cáo mới nhất của Hiệp hội các nhà xuất khẩu (Cecafé) Brazil cho biết khối lượng xuất khẩu cà phê trong tháng 5 chỉ đạt 1,46 triệu bao, góp phần đưa xuất khẩu cà phê 5 tháng đầu năm 2018 lên đạt tổng cộng 10,6 triệu bao, giảm khoảng 8% so với cùng kỳ năm trước.

Được biết, khối lượng cà phê xuất khẩu của Brazil thường dao động bình quân trong khoảng 2,6 – 3,2 triệu bao mỗi tháng, tuy nhiên khối lượng xuất khẩu cũng thường giảm mạnh trong 3 tháng 5, 6, 7 là những tháng gối vụ.

Trong khi đó, thu hoạch cà phê Robusta vụ mới của Indonesia đã hoàn tất ở vùng Lampung phía nam, thường gọi là vụ phụ trong khi thu hoạch vụ chính của đảo Sumatra chỉ mới bắt đầu. Tuy nhiên, do Indonesia bước vào kỳ nghỉ mừng lễ Eid Al-Fitr của người Hồi Giáo nên thị trường này sẽ ngưng giao dịch cho tới ngày 20/6 đã khiến giá cà phê Lampung loại 4 có mức chênh lệch lên tới 60 – 80 USD từ mức khoảng 40 USD so với giá kỳ hạn tháng 7 tại London.

Báo cáo Cam kết Thương nhân (CFTC) từ ​​thị trường cà phê Arabica New York cho thấy, tính đến thứ Ba ngày 05/6, đầu cơ phi thương mại đã giảm vị thế bán ròng ngắn hạn bớt 17,38% so với tuần thương mại trước đó, xuống đăng ký bán ròng ở 37.372 lô, tương đương với 10.594.000 bao và có khả năng đã tăng mạnh trở lại sau những phiên giao dịch khá tiêu cực vừa qua.

Báo cáo CFTC từ ​​thị trường cà phê Robusta London cho thấy, tính đến cùng thời điểm, đầu cơ phi thương mại đã tăng vị thế bán ròng ngắn hạn thêm 23,97% so với tuần thương mại trước đó, lên đăng ký bán ròng ở 17.497 lô, tương đương với 2.916.167 bao và có khả năng đã tăng thêm nhiều hơn nữa sau những phiên giao dịch tiêu cực hơn trong những ngày vừa qua.

Giao dịch cà phê tại thị trường nội địa Việt Nam hầu như đóng băng trong vài ngày qua và còn kéo dài trong vùng giá thấp hiện hành.

Theo những nhà quan sát, dự kiến thị trường sẽ sớm điều chỉnh tăng trở lại nhưng cũng không hứa hẹn điều gì trong ngắn hạn do sức ép vụ mùa mới của những nhà sản xuất chính trên thế giới vẫn còn nguyên.

Xuất khẩu cà phê Việt Nam chiếm gần 50 thị phần nhập khẩu vào Nga

Bài viết mới