Sáng 14 – 6, sau hai ngày xét xử, TAND TP.HCM quyết định hoãn phiên toà vụ lừa đảo chiếm đoạt hơn 190 tỉ đồng xảy ra tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam – Chi nhánh Mạc Thị Bưởi (Agribank – CN Mạc Thị Bưởi, nay là Chi nhánh Trung tâm Sài Gòn).
Trong vụ án này, Phạm Văn Chính (SN 1969, nguyên giám đốc Công ty TNHH Phát triển nhiên liệu Á Châu), Hoàng Văn Cường (SN 1977, nguyên giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ ADN), Đỗ Minh Quang (SN 1957, nguyên là thành viên góp vốn Công ty ADN ) bị truy tố đưa ra xét xử về tội lừa đảo.
Và Phạm Thị Mai Toan (SN 1955, nguyên Ủy viên Hội đồng thành viên kiêm Giám đốc Agribank – CN Mạc Thị Bưởi, Phí Thị Ong (SN 1960, nguyên Giám đốc Agribank – CN Mạc Thị Bưởi), Đỗ Thị Yến (SN 1969, nguyên Phó Giám đốc Agribank – CN Mạc Thị Bưởi; Nguyễn Thị Thanh Vân (SN 1971, nguyên nhân viên tín dụng Agribank – CN Mạc Thị Bưởi) bị truy tố tội vi phạm quy định về cho vay trong các tổ chức tín dụng. Ngoài ra, Trương Thị Thùy Trang (SN 1983, nguyên cán bộ tín dụng Agribank – CN Mạc Thị Bưởi, bị truy tố tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Còn người “đóng vai quan trọng” là Hoàng Tiến Dzũng (Việt kiều Mỹ) hiện đang bị cơ quan điều tra truy nã.
Lý do hoãn theo toà là sau khi xét hỏi, HĐXX thống nhất cần thiết trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung đối với vụ án này. Theo toà, quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung sẽ nêu rõ các vấn đề cần thiết cần làm rõ… và sẽ thông báo nội dung này bằng văn bản đến các bên liên quan.
Bị cáo Toan được tại ngoại ngồi xe lăn đến toà
Cạnh đó, một số luật sư cho biết họ cũng sẽ có một số kiến nghị sau phần xét hỏi để gửi đến cơ quan tố tụng.
Trong phần xét hỏi, các bị cáo nguyên là lãnh đạo, cán bộ ngân hàng liên tục đưa ra lời khai bất nhất trước những chất vấn liên quan đến khoản vay 75 tỉ đồng của Công ty A.D.N. Bị cáo Toan cho rằng bản thân không liên quan đến việc xem xét, kiểm duyệt và ký hợp đồng, giải ngân cho Công ty A.D.N. vay 75 tỉ đồng. Ngược lại, những bị cáo khác khai nhận mọi việc làm đều xuất phát từ chỉ đạo của Toan.
Cụ thể, bị cáo Toan khẳng định mình ủy quyền cho Phí Thị Ong (khi đó là phó giám đốc chi nhánh) thực hiện giao dịch đối với khoản vay trên và không hay biết tình trạng công ty A.D.N. Ngược lại, bị cáo Ong khai nhận mình làm theo chỉ đạo của cấp trên là bị cáo Toan. Đồng thời, bị cáo Ong thừa nhận dù biết rõ việc công ty A.D.N. sử dụng vốn vay sai mục đích nhưng vẫn bỏ qua.
Luật sư của bị cáo Toan thì đưa ra nghị ngờ hai bị cáo Ong và Đỗ Thị Yến (cựu phó giám đốc chi nhánh) đều khai làm việc theo chỉ đạo từ bà Toan là có khả năng thông cung. Do cả hai đang tại ngoại cũng như không đưa được chứng cứ gì chứng minh. Theo luật sư, lời khai của hai bị cáo chưa đủ “sức nặng” làm bằng chứng buộc tội thân chủ mình.
Cạnh đó bị cáo Cường khai quen biết ông Dzũng nên được ông này nhờ đứng tên làm giám đốc công ty và ký các giấy tờ, chứng từ. Dù là giám đốc nhưng Cường phải đi làm thợ xây dựng với mức lương 300.000 đồng/ngày.
Tương tự, bị cáo Chính khai được Dzũng thuê làm giám đốc với mức lương 3 triệu đồng/tháng. Chính ký tên vào giấy tờ vay ngân hàng, biên bản họp hội đồng thành viên hay báo cáo thuế dù không nắm được nội dung.
Các giám đốc “bù nhìn” được dẫn giải về trại sau phiên xử
Theo HĐXX, hành vi ký tên trong hợp đồng tín dụng của Cường và Chính làm thất thoát tài sản nhà nước. Do đó, hai bị cáo cần chịu trách nhiệm liên đới trong phần khắc phục hậu quả.