HoSE vừa có công bố thông tin Công ty TNHH Tập đoàn Đầu tư Hoa Sen đăng ký mua vào 1 triệu cổ phiếu HSG của CTCP Tập đoàn Hoa Sen (Hoa Sen Group), nhằm tăng số lượng nắm giữ lên 25,38% vốn, tương đương 88,8 triệu cổ phiếu. Thời gian thực hiện từ ngày 15/6-14/7/2018, thông qua phương thức giao dịch khớp lệnh.
Về Đầu tư Hoa Sen, đây là công ty do ông Lê Phước Vũ làm Chủ tịch (sở hữu 25,1% vốn). Tại HSG, ông Vũ cũng đang làm Chủ tịch Tập đoàn với tỷ lệ sở hữu cổ phiếu hơn 37,4 triệu đơn vị, tương ứng 10,7% vốn.
Theo đó, năm 2017, không riêng ông Vũ, Đầu tư Hoa Sen cũng “siêng năng” mua vào cổ phiếu HSG với tổng khối lượng hơn 11 triệu cổ phiếu, cùng với những đơn vị nội bộ khác.
Không dừng lại ở việc sở hữu, Đầu tư Hoa Sen còn là khách hàng khá quen với HSG khi riêng trong năm tài chính 2016-2017, HSG đã có giao dịch bán hàng hóa lên tới hơn 4.147 tỷ, mua 2.868 tỷ, phí vận chuyển 72 tỷ, chiết khấu thương mại 73 tỷ, bán tài sản 36 tỷ đồng với Tập đoàn Đầu tư Hoa Sen. Như vậy, doanh thu bán hàng qua Tập đoàn Đầu tư Hoa Sen chiếm 16,7% tổng doanh thu của HSG trong năm tài chính 2016-2017.
Trên thị trường, cổ phiếu HSG đang xanh điểm trong phiên 13/6, hiện tạm dừng tại mức 12.800 đồng/cp. Việc công ty riêng Chủ tịch đứng ra mua vào cổ phiếu là động thái thứ hai trong vòng 1 tháng qua, kể từ thời điểm cổ phiếu rớt mạnh và trở thành tâm điểm thị trường.
Trước đó, động thái đáng chú ý đầu tiên là việc Tập đoàn đăng ký mua lại 17.500 cổ phiếu để làm cổ phiếu quỹ. Mục đích nhằm mua lại cổ phiếu của cán bộ công nhân viên tham gia chương trình phát hành cổ phiếu năm 2017 nghỉ việc làm cổ phiếu quỹ.
Nói về HSG, hiện có nhiều luồng ý kiến về việc Tập đoàn đang đứng trước nguy cơ mất thị phần tôn mạ, nợ vay tăng khủng, tình hình kinh doanh giảm sút. Theo báo cáo tài chính quý 2 niên độ 2017-2018, lợi nhuận sau thuế của HSG chỉ đạt 87 tỷ đồng (giảm 79%), lãi ròng 2 quý đầu tiên sụt giảm chỉ còn 420 tỷ đồng (giảm 50% và hoàn thành 30% kế hoạch). Đây là mức thấp nhất của HSG trong khoảng 4 năm trở lại đây. Nguyên nhân của sa sút này chủ yếu đến từ giá trung bình thép cán nóng (HRC) trong quý 1/2018 tăng mạnh lên mức 660USD/tấn (giá HRC trung bình niên độ trước là 570 USD/tấn). Chưa kể, tính đến thời điểm 31/3, tồn kho của HSG tăng mạnh lên 9.862 tỷ đồng (tăng 5,6%), dẫn đến các khoản vay ngân hàng tăng lên mức 15.795 tỷ đồng và lãi vay ngân hàng lên 216 tỷ đồng (tăng 70%).
Bên cạnh đó, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp cũng tăng mạnh do chiến lược tập trung vào thị trường nội địa thông qua các chi nhánh của Công ty. Hiện tại, HSG đã mở đâu đó 403 chi nhánh với 5 kho hàng lớn và còn tiếp tục “bành trướng”, kế hoạch tiếp theo là mở 500 chi nhánh vào cuối năm nay và sẽ đạt mốc 800 chi nhánh trong thời gian sớm nhất.