Sẽ không có gì đáng nói nếu trước khi xuất viện cùng đứa con mới sinh mang quốc tịch Canada, nữ công dân Trung Quốc này phải trả viện phí – hiện đã lên đến 1,2 triệu CAD (khoảng 922.000 USD) do lãi cộng dồn.
Hiện không rõ hai mẹ con đang ở đâu nhưng nhiều khả năng tại Trung Quốc. Bà Carrie Stefanson, người phụ trách các vấn đề công của Cơ quan Y tế vùng Vancouver Coastal (VCH), cho hay đại đa số bà mẹ không cư trú tại Canada sinh con ở Bệnh viện Richmond sinh sống ở Trung Quốc.
Trường hợp của bà Yan bị phanh phui khi VCH đâm đơn kiện hồi tháng 4 qua, từ đó cho thấy hiện tượng “du lịch sinh con” – phụ nữ nước ngoài mang thai du lịch đến Canada và sinh con để con của họ được trở thành công dân nước này – đang gia tăng. Bệnh viện Richmond chính là “điểm nóng” với 1/5 ca sinh liên quan đến các bà mẹ không sống ở Canada.
Baoma Inn, nhà chờ sinh ở ngoại ô TP Richmond, đăng hình ảnh những phụ nữ nước ngoài mang thai du lịch ở TP Bắc Vancouver – Canada trên mạng Instagram. Ảnh: BAOMA INN
Dù vậy, du lịch sinh con tại Canada lại hoàn toàn hợp pháp. Hàng chục “nhà chờ sinh” xuất hiện ở British Columbia và nhắm vào du khách Trung Quốc. Theo thống kê của VCH, tính đến tháng 9 năm ngoái, các bà mẹ không cư trú tại Canada chiếm 19,9% số ca sinh tại Bệnh viện Richmond trong năm 2017-2018, tăng từ mức 17,2% (tương đương 384/2.228 ca sinh) trong giai đoạn năm 2016-2017.
Thông thường, những phụ nữ không phải là công dân Canada chịu toàn bộ chi phí cơ bản, vào khoảng 8.200 CAD (gần 6.300 USD)/ca sinh thường và 13.300 CAD (10.205 USD)/ca sinh mổ. Trong trường hợp của bà Yan, viện phí tăng cao là do bệnh viện tính thêm lãi suất 2%/tháng (tổng cộng 59 tháng) trên hóa đơn chưa thanh toán.
Thực trạng du lịch sinh con dẫn đến làn sóng phản đối mạnh mẽ ở Canada. Một bản kiến nghị được trình lên quốc hội Canada hồi tháng 3, do bà Kerry Starchuk, người dân TP Richmond, khởi xướng. Bà Starchuk cho rằng nên hủy cấp quốc tịch Canada cho trường hợp du lịch sinh con, bởi những lo ngại về các chi phí liên quan đến giáo dục, y tế, an sinh xã hội… Bản kiến nghị còn cho rằng công dân Canada và người thường trú bị người nước ngoài lấn át ở các bệnh viện địa phương, buộc họ phải thăm khám tại các cơ sở khác. Bản kiến nghị có thời hạn đến ngày 17-7 và hiện thu hút được hơn 7.800 chữ ký.