Điểm mặt 3 dự án nhiệt điện tỷ USD đang chậm tiến độ

Theo Báo cáo kết quả kiểm tra tình hình thực hiện các dự án nhiệt điện của Ban chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực, hiện đang có 3 dự án bị chậm tiến độ, bao gồm dự án Nhiệt điện Duyên Hải 3 mở rộng, dự án Sông Hậu 1 và dự án Long Phú 1.

Theo đó, dự án Nhiệt điện Duyên Hải 3 mở rộng có tổng mức đầu tư là 1,82 tỷ USD, trong đó 85% vay vốn thương mại trong và ngoài nước, 15% là vốn đối ứng của chủ đầu tư.

Dự án Sông Hậu 1 có tổng mức đầu tư khoảng 2 tỷ USD, còn dự án Nhiệt điện Long Phú 1 có tổng mức đầu tư 1,2 tỷ USD.

Cụ thể, theo báo cáo của Ban chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực, đối với dự án nhiệt điện Sông Hậu 1 do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) làm chủ đầu tư và tổng thầu là Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) có tổng tiến độ lũy kế đến hết tháng 4/2018 đạt 56,57%, chậm hơn 25% so với tiến độ cấp 3 được duyệt và tiến độ hợp đồng EPC đã ký. Theo đánh giá, hiện tiến độ dự án bị chậm khoảng 24 tháng.

Nguyên nhân khiến dự án bị chậm tiến độ được cho là dự án nhiệt điện Sông Hậu 1 đang gặp phải một số khó khăn, vướng mắc.

Thứ nhất, theo quy định của Hợp đồng EPC sau thời gian 12 tháng kể từ ngày ký (10/4/2016), đơn giá cho phần xây dựng, lắp đặt và gia công chế tạo trong nước được điều chỉnh.

Tuy nhiên, các văn bản hướng dẫn áp dụng của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền không có hướng dẫn chi tiết về phương thức điều chỉnh giá nên Ban quản lý dự án và Tổng thầu Lilama, tư vấn thẩm tra mất rất nhiều thời gian trao đổi, thống nhất trong thực tế triển khai.

Thứ hai, tổng thầu đang tổ chức lập thiết kế, biện pháp thi công, dự toán chi phí một số hạng mục xây dựng như cửa nhận nước, bãi xỉ, cửa xả nước làm mát, tuy nhiên qua so sánh với giá trị tương ứng của hạng mục trong Hợp đồng đã ký có thể cao hơn.

Thứ ba, hang mục Sân phân phối 500 kV. Theo hợp đồng EPC đã ký với nhà thầu Vinaincon ngày 15/5/2017, tiến độ thực hiện hợp đồng là 602 ngày, dự kiến đóng điện ngược ngày 7/1/2019, tuy nhiên hiện nay vẫn đang trong giai đoạn thẩm định hồ sơ thiết kế kỹ thuật và còn tiềm ẩn nguy cơ chậm hơn.

Đối với dự án Duyên Hải 3 mở rộng, chủ đầu tư là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tư vấn quản lý dự án là Tổng công ty Phát điện 1 (EVNGENCO1) và nhà thầu EPC là Tập đoàn Sumitomo Coporatipon của Nhật Bản.

Theo Ban chỉ đạo, so với tiến độ tổng thể điều chỉnh đã được EVN chấp thuận, hiện tại tiến độ các hạng mục của dự án bị chậm khoảng 6,5 tháng, trong đó có một số mốc tiến độ chậm đến hơn 10 tháng.

Nguyên nhân chính chậm tiến độ là do năng lực quản lý, điều hành của tổng thầu SC đối với các nhà thầu phụ yếu kém và việc chậm trễ cung cấp vật tư, thiết bị không đáp ứng yêu cầu thi công xảy ra ở hầu hết các hạng mục, do xảy ra vụ việc cháy tháp hấp thụ của hệ thống FGD, xuất phát từ sự bất cẩn trong công tác hàn của nhà thầu phụ JEL.

Để khắc phục sự cố, giảm thiểu thời gian chậm tiến độ, EVN đã chỉ đạo các bên thương thảo, lập kế hoạch tiến độ chi tiết khắc phục sự cố và thực hiện các hạng mục để hoàn thành dự án. Tiến độ hoàn thành dự án hiện nay phụ thuộc và tiến độ khôi phục hệ thống FGD và dự kiến sẽ bị chậm khoảng gần 1 năm so với quy định của Hợp đồng EPC.

Cuối cùng, dự án nhiệt điện bị chậm tiến độ thứ ba là Nhiệt điện Long Phú 1 do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam làm chủ đầu tư và nhà thầu là Công ty Power Machines (PM) của Nga mới hoàn thành được 72,77% khối lượng công việc so với khối lượng dự kiến theo kế hoạch là 95,52%, tức chậm khoảng 22,75%, tương đương chậm 18 tháng.

Một trong các nguyên nhân khiến dự án chậm tiến độ là do ngày 26/1/2018, nhà thầu Power Machines bị đưa vào danh sách các công ty bị cấm vận bởi Bộ Tài chính Mỹ, vì vậy việc thực hiện các công việc của Hợp đồng EPC của Liên danh PM & PTSC bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nguy cơ tiến độ dự án tiếp tục chậm thêm.

Theo đánh giá sơ bộ của PM, lệnh cấm vận của Mỹ đối với PM sẽ khiến tiến độ của dự án bị chậm lên đến 36 tháng, đã ảnh hưởng đến các hợp đồng thầu phụ, ảnh hưởng đến giao dịch thanh toán, bảo lãnh tạm ứng, bảo lãnh thực hiện hợp đồng và ảnh hưởng đến công tác thu xếp vốn.

Ban chỉ đạo đánh giá, các dự án nhiệt điện chậm tiến độ sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới cấp điện cho khu vực miền Nam trong giai đoạn 2019 – 2022.

Từ đó, Ban chỉ đạo đề nghị Bộ Công Thương khẩn trương hoàn thành kết quả thẩm định thiết kế kỹ thuật sân phân phối 500 kV Sông Hậu để chủ đầu tư kịp triển khai hạng mục đồng bộ tiến độ dự án.

Đồng thời, có báo cáo để Thủ tướng Chính phủ có văn bản gửi Thủ tướng Nga tạo điều kiện cho tổng thầu PM tiếp tục thực hiện dự án Nhiệt điện Long Phú trong tình trạng bị ảnh hưởng cấm vận của Chính phủ Mỹ.

Đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương bổ sung phương án xử lý các chất nạo vét đáy biển trên cơ sở báo cáo của chủ đầu tư dự án Nhiệt điện Duyên Hải 3 mở rộng.

Ban chỉ đạo đề nghị Bộ Tài chính xem xét cấp bảo lãnh Chính phủ đối với dự án Nhiệt điện Sông Hậu 1 theo đề nghị của Tập đoàn PVN.

Đối với Tập đoàn PVN, Ban chỉ đạo đề nghị khẩn trương xem xét trình Bộ Công Thương về tổng mức đầu tư điều chỉnh của Nhiệt điện Long Phú 1 để báo cáo Thủ tướng xem xét, phê duyệt. Khẩn trương báo cáo, phân tích, đánh giá kỹ về pháp lý và thương mại về ảnh hưởng của lệnh cấm vận của Mỹ liên quan đến nhà thầu PM.

Với dự án Sông Hậu 1, Ban chỉ đạo đề nghị PVN tập trung chỉ đạo rà soát lại tổng tiến độ để khắn phục, rút ngắn các tiến độ hoàn thành của từng hạng mục. Xem xét xây dựng phương án nhập khẩu than kết hợp giữa hợp đồng dài hạn và hợp đồng ngắn hạn để xác định tỷ lệ khối lượng hợp lý, đảm bảo ổn định nguồn than cung cấp.

Sáng 11/1: Nguyên Trưởng BQL dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 khai biết sai nhưng phải thực hiện mệnh lệnh

Bài viết mới