Hiện nay trong khu vực công không thể chống được, bây giờ mở ra khu vực tư thì lấy đâu công sức, lấy đâu nguồn lực để làm, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nói.
Để tình trạng tham nhũng ở khu vực nào thì cũng đều là có lỗi và ở đâu cũng phải chống tham nhũng, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương lập tức tranh luận.
Bên cạnh xử lý tài sản bất minh, kiểm soát tài sản, có mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) ra khu vực tư hay không cũng còn trái chiều quan điểm, khi Quốc hội thảo luận trong cả ngày 13/6.
Gửi giá, lại quả xuất hiện ngày càng nhiều
Qua theo dõi các vụ án thời gian qua cho thấy tham nhũng không chỉ xuất hiện trong khu vực nhà nước, các hiện tượng sân sau, gửi giá, lại quả đã xuất hiện ngày càng nhiều trong các tổ chức kinh tế ngoài nhà nước, đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ (Bắc Kạn) nhận xét.
Từ thực tế này, bà Thuỷ đồng tình với cách đặt vấn đề của cơ quan soạn thảo là đã đến lúc cần mở rộng phạm vi phòng, chống tham nhũng sang khu vực tư. Bước đầu chỉ áp dụng với loại hình công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và một số tổ chức xã hội.
Tuy nhiên, theo đại biểu, đi vào các quy định cụ thể của dự thảo cho thấy còn có những quy định chưa khả thi, có những quy định sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Trong khi đối với khu vực nhà nước, dự thảo dành tới 110 điều luật để quy định cụ thể những việc mà cơ quan, đơn vị, công chức phải làm hoặc không được làm. Đối với khu vực tư, dự thảo lại giao trách nhiệm cho các doanh nghiệp tự căn cứ vào các quy định phòng, chống tham nhũng trong khu vực nhà nước để ban hành quy định áp dụng cho doanh nghiệp mình. Điều này rất khó cho doanh nghiệp, bà Thuỷ nhận xét.
Khó khăn nữa, theo đại biểu còn nằm ở quy định về kê khai tài sản khi dự thảo giao trách nhiệm cho khu vực tư phải căn cứ vào các quy định về kê khai tài sản đối với các công chức để ban hành quy định về kê khai tài sản đối với người quản lý doanh nghiệp mình. Theo đó, những người này phải kê khai cả tài sản của vợ, chồng, con chưa thành niên. Khi có thu nhập trong năm tăng từ 300 triệu trở lên thì phải kê khai bổ sung và giải trình nguồn gốc tài sản như áp dụng đối với công chức.
Đây là hai diện chủ thể hoàn toàn khác nhau. Một bên là công chức, những người đưqợc giao sử dụng quyền lực công và quản lý nguồn lực công với một bên là các doanh nhân, các nhà kinh doanh trong khu vực tư lại đang được dự thảo ứng xử như nhau, đều phải thực hiện nghĩa vụ kê khai tài sản và giải trình tài sản, bà Thuỷ phân tích.
Cũng nhất trí mở rộng phạm vi điều chỉnh, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) nói, hiện nay tham nhũng trong khu vực tư diễn ra nghiêm trọng, phức tạp làm méo mó môi trường kinh doanh, làm suy yếu sự cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp.
Trong một số trường hợp khu vực tư chính là nơi trú ẩn, rửa tiền, sân sau của những hành vi tham nhũng trong khu vực công. Do đó, công tác phòng, chống tham nhũng sẽ không đạt hiệu quả nếu bỏ qua khu vực tư, bà Hoa nhìn nhận.
Tuy nhiên, vị đại biểu Nam Định cũng lưu ý cần tránh nguy cơ chuyển định hướng của các cơ quan chuyên trách phòng, chống tham nhũng từ khu vực công sang khu vực tư. Bởi phòng, chống tham nhũng trong khu vực công thường là khó khăn và động chạm. Nên các cơ quan này có thể ưu tiên phòng, chống tham nhũng trong khu vực tư hơn.
Nhà nước có lỗi hơn với dân?
Dùng quyền tranh luận, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng dường như có sự nhầm lẫn gì đó ở một số ý kiến cho rằng cần phải mở rộng phòng, chống tham nhũng trong khu vực tư.
“Tôi có nhận được ý kiến của một số cử tri đề nghị đại biểu Quốc hội cân nhắc giúp, hiện nay trong khu vực công nhà nước không thể chống được, bây giờ mở ra khu vực ngoài thì lấy đâu công sức, lấy đâu nguồn lực để làm. Liệu chúng ta có thể làm được không hay là ghi vào luật chỉ làm thêm rắc rối. Từ bất lực một đến bất lực hai dẫn đến chỗ Nhà nước ta có lỗi hơn với người dân và lỗi hơn với cử tri”, đại biểu Nhưỡng nói.
Đề nghị cân nhắc việc mở rộng này, ông Nhưỡng cho rằng cần tập trung mọi nguồn lực, mọi trí tuệ để chống quyết liệt ở khu vực công.
Tranh luận lại, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) nhận xét, đại biểu Nhưỡng có phê phán trong phát biểu của một số đại biểu có sự nhầm lẫn, nhưng “tôi nghĩ chính sự phân tích của đại biểu lại nhầm lẫn”.
“Đại biểu có nói là chống tham nhũng ở khu vực ngoài nhà nước thì làm sao nhãng chống tham nhũng ở khu vực nhà nước thì như vậy có lỗi với dân. Tôi nghĩ việc để tình trạng tham nhũng ở khu vực nào thì cũng đều là có lỗi, ở đâu cũng phải chống và việc chống tham nhũng ở khu vực ngoài nhà nước xuất phát từ thực tiễn”, ông Cương nói.
Đại biểu Cương cũng bày tỏ đồng tình rất cao với ý kiến của đại biểu Hoa với những phân tích ông cho là chính xác.
“Khi họp tổ tôi đã lấy một ví dụ về chuyện liên quan đến các hiệp hội, trong đó có Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam vinh danh thương hiệu về thuốc sản xuất bằng than tre để chữa bệnh ung thư. Thưa với Quốc hội, đấy là khu vực ngoài nhà nước, để tình trạng như vậy thì có lỗi với dân hay không? “, ông Cương phản biện đại biểu Nhưỡng.