Đây là những mẩu chuyện do chính Peter Thiel – một doanh nhân nổi tiếng ở Thung lũng Silicon kể lại trong cuốn tự truyện mang tựa đề “Không đến Một“. Những câu chuyện đưa ra một cái nhìn lạc quan về tương lai của sự tiến bộ và tư duy mới mẻ về đổi mới: Bắt đầu tư việc học cách đặt ra những câu hỏi đưa bạn đén những nơi không ngờ tới để tìm và tạo ra giá trị cho thế giới.
Muốn thành công, hãy độc quyền
Peter Andreas Thiel sinh ngày 11/10/1967, là một nhà khởi nghiệp, đầu tư mạo hiểm và tỷ phú tại Mỹ. Ông xếp hạng 315 của Forbes 400 vào năm 2017 với tổng tài sản 2,6 tỷ USD. Ông cũng là một trong những người sáng lập Paypal vào năm 1999 trước khi bán chúng cho eBay với giá 1,5 tỷ USD. Năm 2004, ông là một trong những nhà đầu tư mạo hiểm đầu tiên vào Facebook với 500.000 USD để giữ 10,2% cổ phiếu và nằm trong hội đồng quản trị. Năm 2012, Facebook IPO gần 100 tỷ USD với giá 38 USD/cổ. Hiện giá cổ phiếu của Facebook trên thị trường vào khoảng 192 USD/cổ.
Peter Thiel cũng là một trong số những nhà đầu tư hiếm hoi đặt niềm tin vào Tổng thống Mỹ Donald Trumpkhi ông tranh cử năm 2016.
Những công ty hàng không Mỹ phục vụ hàng triệu hành khách và tạo ra hàng trăm tỷ USD mỗi năm. Năm 2012, giá vé máy bay một chiều tại Mỹ là 178 USD/người nhưng các hãng hàng không chỉ kiếm 37 cent (1USD=100cent) trên mỗi hành khách. Dẫu vậy lợi nhuận của ngành hàng không vẫn đạt 160 tỷ USD.
Peter Thiel cũng là một trong số những nhà đầu tư hiếm hoi đặt niềm tin vào Tổng thống Mỹ Donald Trumpkhi ông tranh cử năm 2016.
Cùng năm, doanh thu của Google chỉ đạt 50 tỷ USD nhưng hãng giữ 21% làm lợi nhuận, cao gấp 100 lần so với lợi nhuận của các hãng hàng không. Đến hiện tại, tổng giá trị của Google gấp 3 lần tất cả các hãng hàng không Mỹ cộng lại.
Rõ ràng, giá trị của một công ty không chỉ nằm ở việc nó kiếm bao nhiêu tiền mà những chủ sở hữu của doanh nghiệp thu về được bao nhiêu. Tạo ra giá trị là chưa đủ, bạn phải thu về được những giá trị mà mình tạo ra.
Tuy nhiên trong trường hợp của Google, con đường thành công của hãng khá khác so với các công ty hàng không. Trong khi Google độc quyền thì những hãng hàng không phải cật lực cạnh tranh với nhau.
Trong kinh tế học, các chuyên gia thường ưa thích một thị trường cạnh tranh hoàn hảo, khi cân bằng cung cầu và thị trường có nhiều doanh nghiệp hoạt động. Tuy nhiên về lâu dài thì chẳng có doanh nghiệp nào đem lại lợi nhuận kinh tế bởi họ không khác biệt và cùng bán một sản phẩm, bởi vậy những công ty khác sẽ nhảy vào liên tiếp để chia phần miếng bánh thị trường.
Trái ngược lại, những công ty độc quyền sẽ làm chủ thị trường và do không có cạnh tranh nên doanh nghiệp sẽ sản xuất ra mức giá tối đa hóa được lợi nhuận.
Đến đây nhiều người sẽ thắc mắc bởi họ không có sự bảo kê của chính phủ hay giấy phép kinh doanh đặc biệt nào đó. Tuy nhiên, có một loại độc quyền mà bạn chẳng cần xin phép hay nhờ sự bảo kê của ai cả, đó là xây dựng một công ty khác biệt mà không doanh nghiệp nào có thể làm được như thế.
Google là một ví dụ điển hình về một công ty tạo nên sự độc quyền. Thuật toán của hãng cho kết quả tốt hơn bất kỳ công ty nào khác và không ai có thể làm như những gì Google vào đầu thập niên 2000.
“Nếu bạn muốn tạo ra và giữ lấy những giá trị vĩnh viễn, đừng tạo ra những công ty không có sự khác biệt”, Peter Thiel
Bắt đầu nhỏ và biết cách tăng quy mô
Mọi công ty khởi nghiệp nên bắt đầu bằng một thị trường rất nhỏ, một giải pháp an toàn bởi công ty sẽ dễ thống trị nó hơn là thị trường lớn.
Khởi đầu nhỏ không có nghĩa là bạn không tồn tại. Sản phẩm đầu tiên của Peter Thiel và những người bạn với Paypal là cho phép người dùng chuyển tiền qua máy PalmPilot. Dù công nghệ này thú vị, chưa ai làm và có hàng triệu khách hàng nhưng những người sử dụng PalmPilot lại quá rải rác, ít điểm chung và hệ quả là chả ai dùng đến công nghệ mới này.
Thế rồi Peter Thiel nhìn vào những màn đấu giá trên eBay. Cuối năm 1999, eBay có vài nghìn tài khoản bán hàng khối lượng khủng thuộc chương trình PowerSellers và chỉ sau 3 tháng với nỗ lực không ngừng nghỉ, Paypal đã phục vụ được 25% trong số đó.
Rõ ràng, tiếp cận vài nghìn người thật sự cần sản phẩm đem lại hiệu quả hơn nhiều so với thu hút sự chú ý của hàng triệu cá nhân đơn lẻ rải rác đối với các nhà khởi nghiệp. Độc quyền một thị trường 100.000 USD sẽ hiệu quả hơn việc cạnh tranh để có được 1% thị trường 10 tỷ USD. Như Peter Thiel đã nói, hãy cố gắng độc quyền hơn là cạnh tranh.
Khi bạn tạo ra và thống trị một thị trường ngách thì đây mới là lúc cần mở rộng, tuy nhiên điều này cũng đòi hỏi sự thận trọng và chiến lược hợp lý. Nhà sáng lập Jeff Bezos của Amazon có tầm nhìn là thống lĩnh tất cả mảng bán lẻ online nhưng ông lại khởi đầu thận trọng với lĩnh vực sách. Thế rối Amazon bắt đầu chọn những thị trường có điểm tương đồng với sách như CD, video, phần mềm… cho đến khi công ty trở thành một cửa hàng tổng hợp của thế giới.
Theo Peter Thoel, việc xâu chuỗi và kết hợp các thị trường khi mở rộng thường bị xem nhẹ. Những công ty thành công nhất thường là các doanh nghiệp khiến sự tiến triển cốt lõi từ thị trường ngách sang thị trường liền kề trở thành một phần không thể thiếu trong triết lý khởi nghiệp của mình.
Đừng đột phá
Thung lũng Silicon luôn bị ám ảnh bởi những ý tưởng đột phá. Về nguồn gốc, ban đầu từ này để ám chỉ các công ty sử dụng công nghệ mới cho ra đời sản phẩm, dịch vụ soán ngôi những công ty cũ.
Tuy nhiên Peter Thiel cho rằng giờ đây từ “đột phá” trở thành một từ khóa tự sướng cho bất cứ thứ gì được coi là mới và phù hợp xu thế. Kể từ đây nhiều nhà khởi nghiệp với tư tưởng nổi loạn chống lại các ông lớn ra đời, thách thức các đế chế để rồi ra sức cạnh tranh thay vì hướng tới sự độc quyền.
Năm 1999, Shawn Fanning và Sean Parker đe dọa sẽ phá vỡ nền công nghiệp âm nhạc bằng hãng Napster. Năm tiếp theo họ lên bìa tạp chí Time và một năm rưỡi sau họ ra tòa để tuyên bố phá sản.
Một nhà khởi nghiệp không nên gây thù hằn và cạnh tranh quá nhiều khi mở rộng ra thị trường lân cận, nếu không muốn nói tránh cạnh tranh càng nhiều càng tốt. Hãy hướng đến sự độc quyền, sáng tạo thực sự để thống trị thị trường thay vì tập trung thách thức, vật lộn và đấu tranh với các đối thủ.
Paypal của Peter lấy đi một ít thị phần của Visa nhưng khi hãng mở rộng thị trường thanh toán chung, họ mang lại nhiều cơ hội kinh doanh cho Visa hơn cả bản thân công ty. Ngay từ đâu, Paypal được lập ra không phải để thách thức ai hay lật đổ công ty nào, họ chỉ muốn độc quyền trong thị trường của riêng họ.
Lợi ích của kẻ đến sau
Có lẽ bạn đã nghe đến khái niệm “Lợi thế người đi đầu”. Nếu bạn là kẻ tiên phong thì bạn có thể thâu tóm được thị phần lớn trong khi kẻ đến sau phải chen chúc tranh giành. Tuy nhiên đi đầu chỉ là một chiến thuật chứ không phải mục tiêu, do đó đi đầu cũng chẳng lợi ích gì nếu sau đó bạn bị soán ngôi.
Bước đi khôn ngoan nhất là tạo ra sự phát triển tuyệt vời sau cùng của một thị trường và tận hưởng lợi nhuận nhiều năm độc quyền. Để làm được điều đó hãy thống trị thị trường ngách nhỏ và tăng quy mô từ đó, hướng đến tầm nhìn dài hạn đầy tham vọng của bạn.
Kinh doanh cũng như đánh cờ vậy. Đại kiện tướng cờ vua thế giới Josse Raul Capablanca đã từng nói để chiến thắng, bạn phải đọc trước được những nước cờ tàn cuộc trước khi ra ra bất cứ quyết định nào khác.
Theo Peter Thiel, độc quyền sẽ chỉ là mô hình kinh doanh tốt nếu nó tồn tại lâu dài được trong tương lai. Hãy so sánh tờ báo New York Times với mạng xã hội Twitter. Cả 2 đều có vài nghìn nhân viên và đều giúp mọi người tiếp cận tin tức. Năm 2012, trong khi Timex đạt doanh số 133 tỷ USD thì Twitter chịu lỗ, ấy vậy mà khi lên sàn vào năm 2013, Twitter được định giá 24 tỷ USD, gấp 12 lần Times.
Nguyên nhân chính là các nhà đầu tư coi trọng dòng tiền tương lai mà Twitter đem lại. Nếu một nhà khởi nghiệp quá chú trọng vào tăng trưởng ngắn hạn và luôn cố đi tiên phong, họ có thể bỏ lỡ câu hỏi quan trọng nhất rằng: Liệu mô hình kinh doanh này có tồn tại sau 10 năm nữa hay không?
Những con số không thể nào trả lời chính xác cho bạn được. Theo Peter Thiel, bạn phải suy nghĩ sâu sắc về những phẩm chất định tính mà doanh nghiệp đang vận hành và nhiều khi kẻ đi sau mới là người dẫn đầu.
* Bài viết dựa trên cuốn sách “Zero to One” của Peter Thiel.