Vẫn là học phí, nhưng không dựa vào Luật Phí và lệ phí

Đó là quan điểm của đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội), Phó hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế quốc dân góp ý sửa Luật Giáo dục đại học, chiều 12/6 tại Quốc hội.

Một trong những nội dung đáng chú ý của lần sửa đổi này đó là Chính phủ muốn chuyển học phí của cơ sở giáo dục đại học sang quy định về định giá dịch vụ đào tạo, phù hợp với Luật giá, Luật Phí và Lệ phí.

Tập hợp ý kiến thảo luận tại tổ cho thấy, nhiều đại biểu đề nghị tiếp tục sử dụng khái niệm “học phí” và bổ sung quy định về học phí đào tạo vào Luật Giá, Luật Phí và lệ phí.

Một số ý kiến tán thành cơ chế tính đúng, tính đủ giá dịch vụ đào tạo để tạo bứt phá cho đào tạo đại học. Đại biểu cũng đề nghị quy định rõ những chi phí được tính vào học phí, làm rõ căn cứ để đánh giá dịch vụ tương ứng với số tiền bỏ ra.

Đại biểu Hoàng Văn Cường bày tỏ sự đồng tình với những thay đổi mang tính chất rất đột phá về cơ chế tài chính tại dự thảo luật, là ngân sách nhà nước chịu trách nhiệm đầu tư và bao cấp cho các bộ phận và các chương trình giáo dục mang tính chất phổ cập bắt buộc, kể cả giáo dục mầm non. Đấy là đối tượng cần ưu tiên, còn các chương trình giáo dục, đào tạo ngoài diện phổ cập thì cần phải huy động xã hội hóa, ông Cường nhấn mạnh.

Với phân tích đó, đại biểu Cường “rất đồng tình với quy định là cơ chế thu học phí của các trường đại học phải dựa trên cơ sở tính giá dịch vụ đào tạo”.

Vị đại biểu – lãnh đạo trường đại học cũng nói thêm là các trường thu học phí và người học phải nộp học phí, nhưng không phải dựa vào Luật Phí và lệ phí mà phải dựa vào cơ sở tính đúng, tính đủ các chi phí để tạo thành giá dịch vụ đào tạo.

Chỉ có trên cơ sở thu đúng giá dịch vụ đào tạo như thế thì các trường mới có cơ sở để nâng cao chất lượng đào tạo bằng việc đào tạo các chương trình có chất lượng cao, ông Cường phát biểu.

Tuy nhiên, theo đại biểu Cường, nếu sử dụng cơ chế giá dịch vụ đào tạo thì mức thu học phí các trường có thể sẽ tăng lên và điều này sẽ khó khăn cho những học sinh nghèo.

“Chính vì vậy, trong luật cũng cần phải quy định rất rõ trách nhiệm xã hội của các trường trong việc bắt buộc phải dành một tỷ lệ học phí để dành cấp học bổng cho những học sinh nghèo hoặc các đối tượng chính sách xã hội”, đại biểu Cường góp ý.

Vị đại biểu này cũng nhấn mạnh là rất đồng tình với cơ chế đầu tư ngân sách nhà nước cho các cơ sở giáo dục đại học theo cơ chế đặt hàng để xóa bỏ tính chất bình đẳng bình quân như trước đây. Và tạo ra một cơ chế bình đẳng cạnh tranh giữa các cơ sở giáo dục đại học công lập với các trường ngoài công lập.

Với cơ chế này cũng khắc phục được tình trạng những trường yếu kém nhưng vẫn được cấp ngân sách thì những trường đó vẫn đào tạo và sinh viên vẫn vào học nhưng cuối cùng kết quả học tập không tốt, ra trường không làm việc được. Như vậy lãng phí không phải chỉ lãng phí ngân sách nhà nước đầu tư mà lãng phí lớn hơn là lãng phí trong thời gian 4-5 năm tuổi trẻ của các em đã dành thời gian vào đây học nhưng không thu được nhiều kết quả, ông Cường phân tích.

Phát biểu giải trình ngay sau đại biểu Cường, tuy nhiên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Phùng Xuân Nhạ không nói sâu về học phí và “học giá”, vấn đề được khá nhiều ý kiến nêu tại phiên thảo luận tổ và được đại biểu Cường góp ý.

Báo cáo thêm về tự chủ đại học, Bộ trưởng nhấn mạnh tự chủ đại học tạo điều kiện thuận lợi cho các trường đại học về tự chủ học thuật, đào tạo khoa học, nghiên cứu khoa học, tự chủ về bộ máy tổ chức, tự chủ về tài chính là một nội dung rất trọng tâm của luật.

Nhưng theo Bộ trưởng, tự chủ phải gắn với trách nhiệm giải trình, và trong dự thảo luật trách nhiệm giải trình thông qua kiểm định trường và kiểm định chương trình phải được coi trọng.

Bộ chủ quản chịu trách nhiệm quản lý nhà nước tập trung vào chiến lược quy hoạch, kế hoạch và các quy chuẩn chất lượng, tăng cường kiểm tra giám sát, vai trò thực thi, quản trị là thuộc về nhà trường. Như vậy rất tách bạch giữa chức năng quản lý nhà nước với chức năng quản trị của nhà trường, giữa tự chủ, trách nhiệm tự giải trình với kiểm soát chất lượng, Bộ trưởng nói.

Trước khi có đề xuất “giá dịch vụ đào tạo”, học phí của các trường đại học hiện nay như thế nào?

Bài viết mới