Bộ tiêu chí vừa được UBND thành phố phê duyệt quy định trong hồ sơ đề xuất dự án đầu tư khu đô thị mới, khu đô thị thông minh, khu tái định cư trên địa bàn TP Cần Thơ, nhà đầu tư phải đáp ứng các điều kiện chung, như: hồ sơ đề xuất dự án đầu tư phải phù hợp theo quy định tại Điều 33 Luật Đầu tư; có đăng ký hoạt động kinh doanh theo quy định của Luật Doanh nghiệp, có ngành nghề phù hợp với lĩnh vực đề xuất dự án đầu tư và đủ điều kiện hoạt động theo quy định pháp luật của ngành, nghề đề xuất.
Trong đó, đề xuất dự án đầu tư phải phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội, quy hoạch phát triển ngành và quy hoạch sử dụng đất; có đánh giá tác động, hiệu quả kinh tế – xã hội của dự án.
Nhà đầu tư tự thu xếp 100% nguồn vốn đầu tư dự án và phải ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án đầu tư; phải đáp ứng điều kiện về năng lực tài chính để bảo đảm việc sử dụng đất theo tiến độ của dự án đầu tư được quy định; phải cam kết quản lý chất lượng và thực hiện bảo hành, bảo trì các công trình xây dựng theo quy định; phải chứng minh không vi phạm quy định của pháp luật về đất đai đối với các dự án đầu tư đã thực hiện trước đây;
Nhà đầu tư phải xây dựng nhà ở, không phân lô bán nền; có trách nhiệm thực hiện các thủ tục về đất đai, môi trường, đầu tư xây dựng theo đúng quy định pháp luật có liên quan và các quy định hiện hành của UBND TP Cần Thơ, đảm bảo đúng tiến độ đã cam kết.
Trong thời hạn 6 tháng kể từ khi được UBND TP Cần Thơ quyết định giao chủ đầu tư hoặc quyết định chủ trương đầu tư, nếu Nhà đầu tư không tích cực triển khai thực hiện dự án, UBND thành phố sẽ thu hồi quyết định đã cấp; mọi thiệt hại nhà đầu tư chịu hoàn toàn trách nhiệm…
Ngoài việc đáp ứng các điều kiện chung, hồ sơ đề xuất dự án đầu tư của nhà đầu tư phải đáp ứng các tiêu chí riêng dành cho các dự án đầu tư khu đô thị mới, khu đô thị thông minh, trong đó có việc phải dành 20% diện tích đất ở trong đồ án quy hoạch chi tiết hoặc tổng mặt bằng được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật dành để xây dựng nhà ở xã hội.
Nhà đầu tư có trách nhiệm trực tiếp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên quỹ đất 20% này. Trường hợp thành phố có nhu cầu đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bằng nguồn vốn ngân sách thì nhà đầu tư có trách nhiệm bàn giao lại 20% diện tích đất ở tương ứng để thành phố đầu tư xây dựng.
Ngoài ra, còn có các tiêu chí phụ, trường hợp cùng một địa điểm thực hiện dự án đầu tư khu đô thị mới, khu đô thị thông minh, khu tái định cư, có nhiều nhà đầu tư đề xuất thực hiện dự án theo quy hoạch, thì ưu tiên lựa chọn nhà đầu tư đáp ứng nhiều tiêu chí phụ như: nhà đầu tư có tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên tổng mức đầu tư dự án cao nhất và cao hơn mức quy định tại Nghị định số 11/2013/NĐ-CP của Chính phủ;
Nhà đầu tư đã triển khai thực hiện hoàn thành nhiều dự án khu dân cư đảm bảo các yêu cầu theo quy định; nhà đầu tư đề xuất dự án có nhiều công trình tối ưu hóa việc sử dụng đất với nhiều tiện ích phục vụ cộng đồng, thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng, sử dụng các công nghệ vật liệu xây dựng tiên tiến; nhà đầu tư đề xuất dự án có nhiều tiêu chí về ứng dụng công nghệ thông tin…