Phạt tới 2 tỷ đồng nếu vi phạm trong lĩnh vực khai thác thủy sản

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản với mức xử phạt tối đa lên đến 2 tỷ đồng.

Dự thảo này xuất phát từ việc ngày 23/10/2017, Ủy ban nghề cá Châu Âu đã cảnh báo thẻ vàng đối với thủy sản có nguồn gốc từ khai thác của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Châu Âu với 9 khuyến nghị mà Việt Nam cần triển khai thực hiện ngay.

Một trong 9 khuyến nghị đó có khuyến nghị về việc Việt Nam cần có khung pháp lý về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động khai thác thủy sản đặc biệt là các hành vi vi phạm quy định về chống đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.

Việc ban hành quy định xử phạt vi phạm hành chính cần phải được thực hiện ngay với các quy định về mức phạt tối đa để đảm bảo đối tượng vi phạm không còn khả năng để tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, ngày 21/11/2017, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XIV đã thông qua Luật Thủy sản. Luật có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2019. Luật Thủy sản năm 2017 đã đánh dấu một bước tiến mới để tạo khung pháp lý cho việc chuyển nghề cá Việt Nam từ nghề cá nhân dân sang nghề cá hiện đại, có trách nhiệm và phát triển bền vững. Để đảm bảo tính nghiêm minh trong việc thực thi pháp luật, tại Điều 105 của Luật Thủy sản năm 2017 đã sửa đổi mức phạt tối đa trong lĩnh vực quản lý nhà nước về thủy sản được quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 24, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012.

Về mức phạt tiền, theo dự thảo, mức phạt tiền tối đa cho một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống thủy sản đối với cá nhân vi phạm là 50 triệu đồng, đối với tổ chức vi phạm là 100 triệu đồng.

Mức phạt tiền tối đa cho một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường trong nuôi trồng thủy sản và bảo vệ nguồn lợi thủy hải sản đối với cá nhân vi phạm là 100 triệu đồng , đối với tổ chức vi phạm là 200 triệu đồng.

Mức phạt tiền tối đa cho một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực khai thác thủy hải sản đối với cá nhân vi phạm là 1 tỷ đồng, đối với tổ chức vi phạm là 2 tỷ đồng.

Theo dự thảo, mức phạt tối đa được áp dụng đối với những trường hợp cụ thể sau phạt tiền từ 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng đối với hành vi đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác thủy sản trái phép ở vùng biển của quốc gia, vùng lãnh thổ khác hoặc vùng biển thuộc quyền quản lý của tổ chức nghề cá khu vực; hành vi khai thác thủy sản trong vùng biển Việt Nam mà không có giấy phép hoặc giấy phép hết hạn hoạt động thủy sản.

Ngoài ra, vi phạm về tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu, quá cảnh đối với thủy sản có nguồn gốc từ khai thác bất hợp pháp cũng bị phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng đối với lô hàng trên 2000kg.

Mức phạt nêu trên được áp dụng đối với cá nhân vi phạm, tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức tiền phạt sẽ gấp hai lần.

Doanh số bán ô tô nhập khẩu “nhỏ giọt”, xe lắp ráp vẫn tăng tốt

Bài viết mới