Đại diện Bộ Tài chính: “Tôi lấy làm tiếc trong 12 năm qua chưa có đạo luật nào về đánh thuế tài sản bất động sản”

Trả lời câu hỏi căn cứ vào đâu mà Bộ Tài chính đề xuất việc đánh thuế sở hữu nhà thứ 2 trở lên, ông Phụng cho biết: “Tôi đã có thời gian nghiên cứu về đánh giá tài sản, trong đó có vấn đề đánh thuế tài sản bất động sản. Về lâu dài cần có 1 đạo luật để thực hiện vấn đề này, bởi đây là tài sản hiện hữu trên địa bàn địa phương, ai cũng có thể nhìn thấy được. Tôi cũng lấy làm tiếc trong 12 năm qua chưa có đạo luật nào về đánh thuế tài sản bất động sản”.

Cũng theo ông Phụng, xuất phát từ thực tiễn gần đây có nhiều ý kiến cần phải đánh thuế nhà ở thứ 2, thứ 3 nhưng cần phải có lộ trình: khi nào đánh, đánh bao nhiêu và liệu có quản lý được không, Bộ Tài chính đã lập ra nhóm chuyên gia để thực hiện vấn đề này.

“Việc Bộ Tài chính có báo cáo chuyên đề nghiên cứu thấu đáo về một vấn đề thực tiễn của xã hội thì đó là việc đúng thẩm quyền, đúng chức năng của Bộ. Chúng tôi sẽ lấy thêm nhiều ý kiến của các chuyên gia, doanh nghiệp về vấn đề này”, ông Phụng khẳng định.

Ông Phụng cũng cho rằng: “Cần phải có cơ sở thuế rộng thì mới thu thuế được nhiều. Cơ sở thuế là các giao dịch mang lại nguồn thu cho người dân, cho doanh nghiệp và khi mở rộng cơ sở thuế bằng việc phát triển thị trường, công khai thông tin, phát triển chính sách trung và dài hạn thì thu thuế mới bền lâu. Do đó, chúng ta cần thị trường bất động sản lành mạnh, thoả mãn nhu cầu về nhà ở”.

“Chúng ta có hai thời kỳ bất động sản bị đóng băng và ở mỗi thời kỳ, Chính phủ, Quốc hội đưa ra những chính sách để phù hợp và nâng đỡ thị trường bất động sản trong giai đoạn đó. Cho đến nay, thị trường đã có những phục hồi đáng kể. Tôi cho rằng khi chúng ta chưa công khai được các thông tin về quy hoạch, giao dịch thì sẽ vẫn còn tạo ra hiện tượng đầu cơ. Nếu thị trường được công khai thì sẽ hạn chế rất nhiều vấn đề này”.

Đại diện Bộ Tài chính cũng cho biết, về vấn đề đánh thuế căn nhà thứ 2, nếu quản lý chưa được mà đã đưa ra thông điệp sớm thì sẽ có khả năng gây xáo trộn thị trường. Theo ông Phụng, ở nước ngoài, người ta đánh thuế tài sản căn cứ vào giá trị của bất động sản. Phần đất mới nhiều chứ phần nhà không bao nhiêu nên dù là thuế nhà hay thuế đất thì cũng vẫn là vấn đề của bất động sản tạo ra.

Còn tại Việt Nam, thực tế cơ quan tài nguyên và môi trường và cơ quan thuế chưa có việc liên thông về quản lý đất, nhà. Hiện nay đang kêu gọi thực hiện Chính phủ điện tử để có thể công khai minh bạch thông tin nhưng thực tế triển khai còn nhiều khó khăn. Tôi cho rằng chúng ta cần làm tốt thuế sử dụng đất phi nông nghiệp trước đã và xem xét cái gì không hợp lý thì sửa đổi cho phù hợp.

Bài viết mới