Dù không phải là hình thức kinh doanh hợp pháp, nhưng tín dụng đen vẫn cứ len lỏi vào cuộc sống của người dân dưới nhiều hình thức khác nhau. Đó có thể là dưới dạng cầm đồ, là đi phường đi họ, chơi hụi, là ủy thác, góp vốn làm ăn, hay là dịch vụ tín dụng tự phát…Đặc điểm chung của tín dụng đen là lãi suất cao đến mức “cắt cổ”, không chỉ vài ngàn đồng cho mỗi triệu vay mượn mà nếu tính theo phần trăm có thể lên tới hàng trăm phần trăm, tức tiền lãi còn nhiều hơn cả tiền gốc.
Nhiều người vay tín dụng đen do lãi quá cao, lãi mẹ đẻ lãi con nhưng không có khả năng chi tả còn bị các đối tượng cho vay “truy đuổi”, khủng bố đòi nợ, ảnh hưởng tới không chỉ bản thân người đi vay mà còn cả gia đình, không chỉ là về tiền mà còn đôi khi liên quan cả tính mạng, gây ảnh hưởng đến xã hội.
Dẫu vậy, do nhu cầu lớn, với tổng quy mô tới hàng chục, hàng trăm triệu đô la, cho nên dù tín dụng đen không phải hình thức hợp pháp nhưng vẫn cứ tồn tại. Trước thực trạng này, các chuyên gia cho rằng Chính phủ nên có những quy định đối với hoạt động tín dụng phi pháp bằng cách đưa vào quản lý. Và họ đề xuất nên tạo điều kiện để các công ty tài chính phát triển thay thế tín dụng đen, dưới sự quản lý của Ngân hàng Nhà nhước.
Và đề xuất ấy đã thành sự thật: Từ ngày 15/3/2017, hoạt động cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính đã có một khung pháp lý riêng, không còn bị đối xử như một ngân hàng thương mại như trước đây.
Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, một số công ty tài chính lại gây bức xúc cho người tiêu dùng như đòi nợ bằng cách khủng bố tin nhắn, lãi suất lúc mời gọi cho vay một đằng, đến khi áp dụng lại một nẻo, nhiều người vay thậm chí bị áp mức lãi suất và lãi phạt tổng cộng tới 70 – 80%, chẳng khác nào tín dụng đen.
Trước thực trạng này, ngày 15/5/2018 NHNN đã có văn bản số 3436/NHNN-TTGSNH yêu cầu các TCTD chấn chỉnh hoạt động cho vay tiêu dùng, trong đó yêu cầu phải Thực hiện nghiêm các quy định về lãi suất, phí liên quan đến hoạt động cho vay; phải ban hành đầy đủ quy định về khung lãi suất cho vay tiêu dùng áp dụng thống nhất trong toàn hệ thống trong từng thời kỳ, trong đó bao gồm mức lãi suất cho vay cao nhất, mức lãi suất cho vay thấp nhất đối với từng sản phẩm; Thực hiện nghiêm các quy định về đôc đốc, thu hồi nợ theo đúng quy định; Rà soát, quản lý chặt chẽ các điểm giới thiệu dịch vụ, nhân viên giới thiệu dịch vụ, đối tác của TCTD để bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật và quy định nội bộ của TCTD…
Trong khi tín dụng tiêu dùng đã có, đã được đưa vào quản lý nhưng vẫn chưa thực sự hút nhiều người tiêu dùng. Song song đó, tín dụng đen và cho vay nặng lãi vẫn cứ phát triển. Trên khắp các ngả đường, ngõ xóm, không khó để bắt gặp những biển quảng cáo mời gọi vay vốn hấp dẫn như vay không cần thế chấp, vay lãi suất ưu đãi, vay đến cả trăm triệu đồng mỗi ngày…
Nhiều người lo ngại, tín dụng đen sẽ có điều kiện phát triển ngầm hơn nữa trong mùa World Cup năm nay. Do vậy cần có sự vào cuộc quyết liệt từ phía các cơ quan quản lý để ngăn chặn những hình thức cho vay cắt cổ ấy. Và có lẽ cũng đã dự báo trước được tình hình nên mới nhất, tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 vừa ban hành ngày 8/6/2018, Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phải phối hợp với Bộ Công an, Bộ Công Thương kiểm soát, ngăn chặn tín dụng đen, cho vay nặng lãi.
Với những quy định về siết chặt hoạt động của công ty tài chính và chỉ đạo mới nhất từ Chính phủ, có lẽ tín dụng đen sắp tới sẽ khó có “cửa” để phát mạnh như thời gian qua.