Tại làng gốm cổ Bát Tràng (Hà Nội) đã có một vài gia đình nghệ nhân thức thời khi chuyển từ sản xuất những mặt hàng truyền thống sang sản xuất mặt hàng đặc biệt, thứ mà tất cả các đội tuyển bóng đá, các cầu thủ bóng đá trên toàn thế giới đều mong ước, đó là “cúp vàng”.
Đi tiên phong trong lĩnh vực sản xuất mặt hàng mới này là gia đình nghệ nhân Vương Hồng Nhật (57 tuổi, người gốc làng cổ Bát Tràng, xã Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội). Đây là kỳ World Cup thứ 3 mà gia đình ông Nhật sản xuất “cúp vàng” để thỏa lòng đam mê cho người hâm mộ.
Ông Nhật đang kiểm tra lại lần cuối những sản phẩm của mình.
Những chiếc cúp đã hoàn thiện.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Nhật cho biết: “Vì mình đam mê bóng đá, cũng muốn sở hữu vật phẩm cao quý nhất trong làng túc cầu, đó là chiếc cúp vàng nên nghĩ rằng ắt hẳn cũng có nhiều người có mong muốn này. Năm 2010, tôi làm khoảng 30 chiếc cúp mang tặng bạn bè, ai cũng rất vui vẻ. Thấy nhu cầu này khá lớn, năm 2014 tôi làm hơn 1.000 cái cũng chỉ đủ cung cấp cho những thị trường lân cận, nhiều người đặt nhưng phải xin lỗi vì không còn hàng.
Năm nay tôi dự tính làm khoảng 3.000 cái, hiện đã làm được hơn 1.000 cái rồi. Có hơn 300 trăm cái đã được xuất đi Nga theo đơn đặt hàng từ bên đó, sắp tới cũng có thêm một số lô hàng xuất đi Pháp, Đức và mấy nước châu Âu.
Công đoạn đầu tiên, cho nguyên liệu vào khuôn và lắc đều để tạo hình.
Nhiều đơn vị khách sạn ở Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Phòng cũng đặt mua số lượng lớn để tặng khách. Đặc biệt năm nay đơn đặt hàng từ miền Nam rất nhiều, hy vọng xưởng sẽ sản xuất kịp để phục vụ người hâm mộ”.
Theo ông Nhật, việc làm “cúp vàng” khó hơn làm những sản phẩm khác vì ông chưa từng được thấy chiếc cúp thật, việc sao chép rất khó khăn. Sau 8 năm với nhiều sự góp ý, nhiều sửa chữa khuôn mẫu, tham khảo nhiều tài liệu nhưng bản sao vẫn chỉ mới “gần giống” bản gốc.
Sản phẩm đang được phơi nắng.
“Để làm được chiếc khuôn đầu tiên, tôi mất mấy tháng trời. Đến hiện tại thì có thể nói rằng chiếc cúp này giống được khoảng 95% so với chiếc cúp thật, phiên bản đầu tiên chỉ giống chừng 80%, tôi vẫn tìm hiểu và sửa chữa thêm để nó không ngừng hoàn thiện và giống với cúp thật”, ông Nhật chia sẻ.
Hiện ở xưởng gia đình ông Nhật có 4 người làm. Bà Nguyễn Thị Nga (vợ ông Nhật) cho biết, xưởng làm suốt ngày đêm, hy vọng sẽ cung ứng đủ nhu cầu cho khách. Theo bà Nga, “cúp vàng” là một sản phẩm khó làm, đòi hỏi tỷ mỷ, kỹ thuật cao hơn các sản phẩm khác.
Quá trình phun sơn để có một chiếc “cúp vàng”.
“Nguyên liệu thạch cao được trộn với nước với tỷ lệ chuẩn xác, không được nhão cũng không được đặc quá. Sau khi đổ nguyên liệu vào khuôn, phải lắc kỹ thuật để nguyên liệu tráng đều bề mặt khuôn, công đoạn này lặp lại 2 lần mới ra sản phẩm. Khuôn là một bề mặt đa diện, nhiều góc cạnh nên để làm nguyên liệu tráng đều rất khó, một người thợ phải có kinh nghiệm chừng 4 năm mới làm được.
Sau khi đổ khuôn chừng 20 phút thì tháo khuôn, đem ra phơi chừng 3 nắng, nếu không phơi khô thì sản phẩm rất dễ hỏng. Công đoạn tiếp theo là gọt dũa lại sản phẩm, kế đó là phun sơn.
Gọt sửa để có một sản phẩm ưng ý nhất.
Một sản phẩm như vậy được đóng hộp bán ra với giá 80 nghìn đồng bất kể mua số lượng bao nhiêu. Kể từ khi bắt đầu bán đến giờ giá sản phẩm vẫn giữ nguyên, không hề thay đổi. Năm nay dự kiến bán ra 3.000 chiếc cúp, thu về chừng 240 triệu đồng”, bà Nga tâm sự.
Sản phẩm “cúp vàng” được bán trong cả năm, tuy nhiên chỉ đến mùa World Cup thì tốc độ tiêu thụ mới tăng mạnh, vì vậy xưởng chỉ chuyên sản xuất mặt hàng này tầm 1 tháng trước mùa bóng.
Bà Nga hoàn thiện sản phẩm.
Trước khi kết thúc buổi trò chuyện, khi được hỏi những kiến thức bóng đá, bà Nga tỏ ra rất tường tận. “Năm nay cả Hà Lan, Ý đều không được đá, Anh thì không biết có tham dự hay không. Mặc dù yêu đội Nga nhưng cũng không có nhiều hy vọng Nga sẽ vào sâu, chỉ mong qua vòng bảng. Năm nay chắc là Đức sẽ vô địch”, bà Nga nói.
Sản phẩm đã hoàn thiện và kiểm tra chất lượng, chờ đóng hộp giao cho khách.
Mặc dù xa vời nhưng những người trong xưởng sản xuất “cúp vàng” này đều mong một lần tuyển Việt Nam có được vinh dự rước chiếc cúp thật về nước.