Theo World Bank, EVN đã tiến thêm một bước trong mục tiêu phát hành trái phiếu bằng USD và nâng cao năng lực tài chính. Điều này có được nhờ vào việc Fitch Ratings xác nhận hồ sơ tín nhiệm.
Cụ thể, EVN được xếp hạng nhà phát hành nợ (Issuer Default Rating, IDR) mức BB với viễn cảnh ổn định về vay nợ dài hạn bằng ngoại tệ. Thứ hạng này của EVN tương xứng với hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam.
“Mức tín nhiệm tích cực này giúp EVN phát hành trái phiếu quốc tế, đa dạng hóa nguồn vốn, và là một sự đảm bảo cho các nhà đầu tư tiềm năng trong nước và quốc tế. Nay chúng tôi đã có cơ sở vững chắc hơn để có thể huy động vốn đầu tư các dự án điện, tăng khả năng cung ứng điện cho khách hàng tại Việt Nam,” ông Đinh Quang Tri, Quyền Tổng giám đốc EVN nói.
Ban Năng lượng toàn cầu của Ngân hàng Thế giới đã hỗ trợ quá trình xếp hạng này thông qua các biện pháp cấp vốn và tư vấn, bao gồm chỉ định Ngân hàng Mizuho làm công tác chuẩn bị và thực hiện quá trình.
Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết mức tín nhiệm tích cực này sẽ đảm bảo cho các nhà đầu tư cá nhân và cho vay thương mại về năng lực tài chính và kỹ thuật của EVN và thay đổi nhận thức về rủi ro của họ khi ký kết các hợp đồng mua điện dài hạn cũng như hợp đồng cho vay.
Theo tính toán của EVN, để duy trì tiến độ các dự án nguồn điện trọng điểm và công trình cấp bách từ nay đến năm 2020, mỗi năm Tập đoàn cần phải huy động vốn đầu tư khoảng 5 – 6 tỷ USD. Số vốn này là rất lớn nếu nhìn vào con số 2 tỷ USD mỗi năm trái phiếu Chính phủ có thể huy động được.
Để có được số vốn lớn như vậy, ngoài các phương pháp truyền thống, EVN đã tính đến việc phát hành trái phiếu nước ngoài để tăng thêm nguồn vốn. Dự kiến đến năm 2018 – 2019, EVN phải phát hành trái phiếu quốc tế.