Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) vừa có báo cáo chiến lược tháng 6/2018. Theo VDSC, VND đang là đồng tiền ổn định nhất so với các quốc gia trong khu vực.
Cụ thể, vấn đề chính trị tại Ý đã tạo nên một vài sự rối loạn trện thị trường toàn cầu trong tháng năm vừa qua. Thị trường biến động mạnh hơn khi nhà đầu tư chủ động mua vào các tài sản trú ẩn an toàn và bán ra tài sản rủi ro đang nắm giữ. Trên thị trường tiền tệ ghi nhận diễn biến trái chiều rất đáng quan ngại giữa đồng đô la Mỹ và đồng Euro. Trong suốt 6 tuần qua, tỷ giá EURUSD đã giảm gần 6% trong khi chỉ số US Dollar tăng trên 5%.
Hiện tượng “risk-off” (từ bỏ rủi ro) đã tạo sức ép lớn lên đồng tiền của các quốc gia mới nổi, đáng chú ý là khu vực ASEAN. Tuy nhiên, rõ ràng VND vẫn là đồng tiền ổn định nhất so với các quốc gia trong khu vực khi đồng VND chỉ mất giá 0,6% kể từ giữa tháng 4 và 1% kể từ đầu năm.
Theo VDSC, NHNN đã và đang điều hành đồng tiền một cách chủ động, đối lập hoàn toàn so với quá khứ khi những biến động mạnh trên thị trường tự do gây sức ép khiến NHNN phá giá tiền đồng.
Dù vậy, tiền đồng vẫn dễ bị tổn thương trước những rủi ro từ bên ngoài, điển hình như sự kiện phá giá đồng nhân dân tệ năm 2015 hay khả năng “chiến tranh thương mại” tiềm tàng. Việc tiền đồng giảm giá nhẹ trong thời gian qua chủ yếu do tác động lan tỏa từ diễn biến trên thị trường khu vực ASEAN.
Theo các chuyên gia, việc tiền đồng giảm giá vẫn nằm trong khả năng kiểm soát của NHNN. Báo cáo của VDSC cũng nhấn mạnh tỷ giá trung tâm USD/VND đã tăng 3,2% kể từ giữa năm 2016 trong khi tỷ giá giao dịch trên thị trường chỉ tăng 2,3%. Khoảng chênh lệch 0,9% có thể sẽ được lấp đầy trong năm 2018.
Điều này có nghĩa, tỷ giá giao dịch có thể sẽ tăng 1,5%-2% năm 2018. Tuy nhiên, vẫn còn đó những rủi ro khiến tiền đồng mất giá mạnh hơn dự báo.
Đầu tiên, theo nghiên cứu từ Moody’s, Việt Nam xếp thứ 4 trong danh sách các nước Châu Á tiềm ẩn rủi ro nợ nước ngoài cao nhất. Chỉ số tổn thương của Việt Nam, tính bằng tỷ lệ giữa tổng khoản nợ nước ngoài ngắn hạn, khoản nợ nước ngoài dài hạn đến hạn và tiền gửi của người nước ngoài với kỳ hạn trên 1 năm so với tổng dự trữ ngoại hối quốc gia, đạt 50.9%. Do đó, điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt sẽ khiến chi phí trả nợ nước ngoài của quốc gia trở nên đắt đỏ hơn.
Đáng chú ý, tỷ lệ dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện đạt 63 tỷ USD, tức chỉ đảm bảo khoảng 3,5 tháng nhập khẩu – mức thấp nhất giữa các quốc gia trong khu vực. Điều này cảnh báo những sức ép/tác động tiêu cực tới tiền đồng.
Bên cạnh đó, khoản mục lỗi và sai sót trong cán cân thanh toán tổng thế, hiện tại tương đương 27% tổng dự trữ ngoại hối, cũng là vẫn đề đáng quan tâm. Vào năm 2009, giá trị khoản mục này lên tới 12,8 tỷ USD và đây có thể là một trong những nguyên nhân chính khiến tỷ giá bật tăng mạnh trong hai năm sau đó.
Về tác động ngoại cảnh, việc thắt chặt điều kiện tài chính sẽ là điều đáng lo lắng khi FED sẽ tiếp tục kế hoạch bình thương hóa. Trong phiên họp sắp tới vào ngày 12-13/06, thị trường kỳ vọng ngân hàng trung ương Mỹ sẽ tăng mức lãi suất tham chiếu thêm 25 điểm cơ bản. Rất có thể vùng lãi suất của FED sẽ đạt 1,75-2% vào cuối năm nay.