Thẻ ngân hàng ‘ngủ đông’: Lãng phí lớn


Đua phát hành thẻ “rác”

Thẻ ngân hàng, gồm thẻ ATM (Automatic Teller Machine) và thẻ tín dụng (Credit card) có nhiều loại dành cho nhiều đối tượng khách hàng, có hạn và không hạn sử dụng. Nếu chủ thẻ thường xuyên giao dịch thì tài khoản sẽ không bao giờ bị khóa, nhưng nếu ngừng giao dịch liên tục từ 6 tháng đến 1 năm thì tài khoản sẽ bị đóng băng, chủ thẻ sẽ không thực hiện được bất cứ giao dịch nào bằng thẻ đó nữa.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Đào Minh Tuấn – Chủ tịch Hội Thẻ Việt Nam – cho biết, cùng với sự bùng nổ của hình thức giao dịch điện tử, các ngân hàng đã ồ ạt phát hành các loại thẻ này và theo tính toán, hiện có khoảng trên 132 triệu thẻ đã được phát hành và trong số đó, khoảng 50 triệu thẻ ngân hàng đã phát hành nhưng không hoạt động và thuộc hai trường hợp: Thẻ đã phát hành, đã kích hoạt nhưng không có giao dịch; thẻ đã phát hành nhưng chưa kích hoạt hoặc quá hạn đã bị khóa.

Nguyên nhân, theo ông Tuấn, là do các ngân hàng đua nhau phát hành thẻ để đạt chỉ tiêu và mở rộng thị phần, bất chấp khách hàng có nhu cầu sử dụng hay không. Nhiều ngân hàng tìm mọi cách chào mời khách mở thẻ mà không quan tâm đến việc thẻ có được sử dụng hay không. Thậm chí có ngân hàng tính toán chịu lỗ trước để phát hành thẻ, rồi tìm cách khai thác dịch vụ khác, như: Tài trợ thương mại với doanh nghiệp (DN) trả lương, hoặc cho vay với chủ thẻ… nhưng không phải khi nào cũng thành công.Thực tế này dẫn tới tình trạng nhiều khách hàng sở hữu thẻ của hầu hết các ngân hàng nhưng không có nhu cầu giao dịch.

Một nguyên nhân khác, theo các chuyên gia, là để lôi kéo khách mở thẻ, các ngân hàng đã sử dụng nhiều hình thức ưu đãi, khuyến khích các cá nhân, tổ chức, DN trả lương qua tài khoản, nhất là với những đơn vị, DN có số lượng lao động lớn. Nhưng khi tổ chức, DN này thay đổi ngân hàng thì hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn thẻ biến thành thẻ “ma” vì người lao động không sử dụng thẻ đó nữa.Như vậy, dù nhiều thẻ ngân hàng được phát hành đúng đối tượng nhưng trong quá trình sử dụng bị biến thành thẻ “rác”.

Lãng phí nguồn lực xã hội

Khẳng định đến nay chưa phát sinh hệ lụy pháp lý đối với những thẻ “ma”, thẻ “rác”, song ông Đào Minh Tuấn cho rằng, đây là sự lãng phí rất lớn nguồn lực xã hội. Theo đó, khi phát hành thẻ buộc phải có những khoản chí phí nhất định. Với ngân hàng cần có chi phí phôi thẻ, chi phí quản lý trong khi khách hàng cũng phải chi trả một khoản phí nhất định khi mở thẻ.

“Dù tổng chi phí để phát hành mỗi thẻ có thể chỉ là vài nghìn đến vài chục nghìn đồng, nhưng với hơn 50 triệu thẻ “rác” thì rõ ràng số tiền lãng phí là rất lớn” – ông Tuấn nói.

Để hạn chế phát sinh thẻ “rác”, ông Tuấn cho rằng, trước hết, các ngân hàng cần quy định chỉ tiêu cho nhân viên dựa trên số lượng thẻ có hoạt động thực sự, có phát sinh giao dịch thay vì số lượng thẻ được phát hành.

Bên cạnh đó, trong một thời gian nhất định, nếu khách không sử dụng thẻ, ngân hàng phải liên hệ để tìm hiểu về nhu cầu của khách hàng; thực hiện thu phí quản lý tài khoản; có biện pháp buộc các ngân hàng báo cáo đầy đủ và chính xác số liệu thẻ…

Ông Đào Minh Tuấn – Chủ tịch Hiệp hội Thẻ Việt Nam: Phương thức thanh toán ngày càng đa dạng, tuy nhiên, các ngân hàng cần tính toán chiến lược đầu tư phù hợp thay vì chỉ tập trung phát hành thẻ, gây lãng phí nguồn lực xã hội.
Sẽ giới hạn số lượng thẻ ATM với mỗi khách hàng?

Bài viết mới