Mang tiền đến ngân hàng gửi thì phải kiểm đếm kỹ, rút tiền từ ngân hàng về thì không cần?

Gửi tiết kiệm vẫn là kênh đầu tư chính của người dân, nhất là những người có thu nhập ít và muốn để dành dụm cho “thành tấm thành món” để lo việc lớn hiện nay. Bên cạnh vấn đề lãi suất, vấn đề về địa lý (tức ngân hàng gần nơi làm việc hoặc nơi ở) thì vẫn có rất nhiều người chọn những nhà băng lớn, những ngân hàng “của Nhà nước” tức là do Nhà nước nắm quyền chi phối để gửi cho… an tâm.

Song, cùng với những sự an tâm ấy thì vẫn có những điều khiến không ít người cảm thấy chưa hài lòng vì chất lượng phục vụ của các cán bộ ngân hàng, nhất là các giao dịch liên quan đến tiền mặt.

Trao đổi với chúng tôi, anh M., công tác tại một công ty xây dựng ở Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, có mấy lần anh phải giao dịch liên quan tiền mặt nên đi ra ngân hàng V. gần cơ quan, nhưng anh cảm thấy không hài lòng vì thái độ phục vụ rất chậm chạp của các cán bộ. “Xếp hàng đã rất lâu, bực mình, khi đến lượt mình thì họ còn lề mề, lại còn bận bịu nói chuyện riêng với nhau, nói chuyện điện thoại, làm mình là khách hàng cảm thấy rất bức xúc” – anh nói.

Trong khi đó chị H., thì lại có bức xúc liên quan đến việc gửi tiền. Chị cho biết khi đi gửi tiền ở ngân hàng thì các nhân viên rất niềm nở đón nhận. Sau khi hỏi khách hàng về số tiền muốn gửi và kỳ hạn, nhân viên ngân hàng sẽ yêu cầu ngay khách hàng đưa tiền ngay cho mình để đếm và nhận tiền, trước khi thực hiện các thủ tục khác liên quan giấy tờ để trả khách.

“Thế mà đến lúc tôi cần tiền rút ra, đến mang tiền của mình về lại rước bực vào người” – chị H. chia sẻ. Theo lời chị H., chị gửi 100 triệu ở một ngân hàng tại quận Thanh Xuân và hôm nay vừa đến lúc đáo hạn. Đến quầy, vị cán bộ ngân hàng lần lượt đưa cho chị các giấy tờ ký vào, sau đó trả chứng minh thư và cuối cùng là đưa tiền. Nhưng điều đáng nói là vị cán bộ ở ngân hàng này lại không đếm tiền cho chị. Thắc mắc rằng vì sao không đếm tiền trước mặt khách, nếu chẳng may thiếu hay thừa thì phải làm sao, anh cán bộ giao dịch nói rằng, tiền vừa đếm xong nên không cần đếm lại.

Khi khách hàng thắc mắc về quy trình có phải đếm tiền cho khách hàng hay không, vị cán bộ ngân hàng nói, “Chị thích đếm thì tự đếm, ở đây có máy đếm tiền (ngay bên cạnh chỗ khách ngồi). Mà bên em là ngân hàng Nhà nước không cần phải đếm, chị ra giao dịch ngân hàng tư nhân mới phải lo”.

Trước đó, phản ánh với chúng tôi, anh Q. , khách hàng giao dịch tại một ngân hàng rất lớn trên đường Lê Văn Lương Hà Nội cũng cho biết anh rất hài lòng với mọi khâu phục vụ của ngân hàng, rất nhanh và chuyên nghiệp, nhưng lại bị thất vọng ở khâu nhận tiền của mình.

“Anh quản lý quầy kho quỹ số 23 của ngân hàng này nói rằng tiền trong kho của ngân hàng là đủ, không cần đếm. Quy trình của ngân hàng anh cũng không yêu cầu phải đếm tiền. Nếu khách hàng nhờ thì mới đếm hộ. Còn nếu khách hàng nghi ngờ tiền của ngân hàng không đủ thì mời khách hàng ra máy đếm tiền ở phía trước mặt, có riêng một máy đếm tiền ở đó. Tôi thì đâu có biết dùng máy thế nào đâu, không nghi ngờ ngân hàng nhưng họ phải làm cho hết nhiệm vụ, để chúng tôi yên tâm chứ” – anh Q. nói.

Anh cho biết thêm, khi thắc mắc với cán bộ kho quỹ của ngân hàng nói trên về quy trình như vậy là không đủ, nhưng vị cán bộ của ngân hàng nói quy trình ở ngân hàng này là không phải đếm, rồi chỉ lên bảng niêm yết ở ngân hàng đề nghị khách hàng đọc.

“Tôi kiên nhẫn đọc, nhưng rõ ràng trên đó ghi rằng tiền phải đếm trước sự chứng kiến của nhân viên ngân hàng, nếu không mọi sai sót, tiền giả thì ngân hàng sẽ không chịu trách nhiệm. Quy định rõ ràng thế mà họ lại cố tình lờ đi. Tôi đọc lại cho anh cán bộ nghe, rằng ngân hàng yêu cầu như vậy, mà ở góc máy đếm tiền làm gì có ai. Anh cán bộ của ngân hàng lớn này nói rằng ở đó có camera rồi. Tôi rất không hài lòng” – anh Q. bức xúc chia sẻ.

Trao đổi với chúng tôi, Giám đốc phụ trách tuân thủ của một ngân hàng cho biết, về quy trình giao dịch tiền mặt với khách hàng thì nhân viên ngân hàng buộc phải đếm tiền trước sự chứng kiến của khách hàng, bởi ngân hàng có quy tắc tiền rời khỏi quầy sẽ không chịu trách nhiệm. Việc ngân hàng cứ biện minh vì lý do này hay lý do khác mà bỏ qua quy trình là sai hoàn toàn.

“Quy trình là khách hàng ký giấy đề nghị tất toán, rút tiền, sau đó giao dịch viên, kiểm soát viên xác nhận và chuyển kho quỹ. Nếu số tiền nhỏ thì trả tại quầy, khách hàng chứng kiến hoạt động kiểm đếm, còn nếu ngân hàng lớn họ có kho quỹ riêng thì sẽ mang giấy ra quầy kho quỹ để nhận tiền và sau đó ký vào giấy biên nhận. Cuối cùng là nhận tiền rời khỏi quầy mới kết thúc quy trình” – ông giám đốc phụ trách tuân thủ nói.

Bình luận về câu trả lời của những cán bộ ngân hàng mà chúng tôi đề cập, vị này giám đốc trên cho biết, đó chỉ là trường hợp “con sâu làm rầu nồi canh”, chứ ai trong ngành cũng phải nằm lòng quy tắc giao dịch tiền mặt như vậy.

Nhân viên ngân hàng chiếm đoạt hơn 1 tỉ đồng của khách

Bài viết mới