Sáng ngày 5/6, phát biểu tại diễn ra Diễn đàn kinh tế Việt Nam lần đầu tiên về chuyên đề nông nghiệp “Giải pháp phát triển thương mại cho nông sản Việt” ông Trần Thanh Hải, Phó chủ tịch điều hành Cấp cao Central Group (Thái Lan) nhận định Việt Nam được thiên nhiên ưu đãi, diện tích đất canh tác trù phú trải dài từ Bắc vào Nam.
Theo ông Hải, nông nghiệp được coi là chìa khoá cho sự phát triển quốc gia. Trong những năm gần đây, bên cạnh sản xuất đáp ứng nhu cầu trong nước, Việt Nam còn xuất khẩu lượng lớn nông sản. Nhóm hàng nông sản chính ước tính đạt 18,96 tỷ USD, tăng hơn 16% so với cùng kỳ.
Việt Nam hiện vươn lên thành một trong 5 quốc gia xuất khẩu trên thế giới với một số ngành hàng nông nghiệp điển hình như gạo, cà phê, tiêu đen, hạt điều, cao su miền Nam, rau củ quả Đà Lạt…
Trước những thách thức của nông sản Việt như thiếu liên kết, an toàn vệ sinh thực phẩm, truy suất nguồn gốc,…ông Hải cho biết, Việt Nam cần xây dựng và phát triển mô hình đầu tư canh tác quy mô lớn. Hiện nay, sản xuất còn nhỏ lẻ, làm theo quy mô hộ gia đình, diện tích canh tác còn giới hạn, các cánh đồng mẫu lớn chưa phổ biến, chưa tận dung được chi phí đầu tư thấp, dẫn đến giá thành sản phẩm cao.
“Ở các nước phát triển, chi phí đầu tư vào cơ sở vật chất, khấu hao trên từng sản phẩm giảm rất nhiều, nhà đầu tư có nhiều cơ hội đa dạng hoá sản phẩm, phát triển theo hướng chuyên nghiệp hoá. Ở Thái Lan, 500 con gà trở xuống là chăn nuôi nhỏ lẻ theo hộ gia đình, ở Việt Nam 90% như vậy, kém Thái Lan 10 lần”, ông khẳng định.
Bên cạnh đó, ông đề xuất Việt Nam cần ứng dụng khoa học kỹ thuật trong canh tác, như công nghệ sinh học tự động hoá, công nghệ cao trong thu hoạch chế biến. Hiện nay, đa phần nông dân Việt Nam ngại thay đổi, trung thành với canh tác truyền thống, ngại rủi ro, cơ hội hạn chế do quy mô đầu tư nhỏ.
Một đề xuất khác, Việt Nam cần quản lý chất lượng thương hiệu. Việt Nam đã có nhiều thành công trong gia tăng doanh mục xuất khẩu ra thế giới, được danh giá cao về khả năng cung ứng, nhưng chất lượng sản phẩm vẫn là một thách thức.
Tuy nhiên, theo ông Hải, doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa hiểu thấu đối tác, thị trường khi xuất hàng thường khó thông quan bởi vi phạm một số quy định tại thị trường quốc tế. Điều này gây tổn thất cho Việt Nam.
Nhấn mạnh đến vấn đề tăng giá trị cho sản phẩm. Ông Hải cho rằng tuy hàng nông sản Việt Nam được khách hàng hàng quốc tế đánh giá cao về khả năng cung ứng nhưng chủ yếu là xuất thô không có thương hiệu thương mại.
Ông Hải kết luận, nếu không tạo sự khác biệt, Việt Nam sẽ mất lợi thế xuất khẩu. Các doanh nghiệp nên tập trung tìm hiểu thị trường đầu tư khâu chế biến đóng gói để tăng lợi nhuận khi xuất khẩu đồng thời có cơ hội đầu tư bền vững. Ngoài ra, việc kết nối thị trường tiêu thị, giải quyết khâu logistic cũng là một bài toán.