Cụ thể, báo cáo này cho thấy, theo kế hoạch phát triển đội bay giai đoạn 2018 – 2020, Vietnam Airlines muốn tăng sản lượng bay lên mức hơn 340.000 giờ bay một năm ngay trong năm 2018. Con số kế hoạch đến năm 2020 là khoảng 411.000 giờ bay.
Để đáp ứng mức kế hoạch khai thác này, Vietnam Airlines muốn tăng đội bay lên từ 1.100 phi công hiện tại lên 1.153 người vào cuối năm nay và đạt 1.340 phi công vào năm 2020. Hiện tại, với lượng phi công 1.100 người, thực hiện 130.000 chuyến bay/năm, trung bình, mỗi phi công Vietnam Airlines phải thực hiện khối lượng 10 chuyến bay mỗi tháng.
Trong cuộc gặp gỡ báo chí ngày 30/5, CEO Vietnam Airlines, cho biết lương phi công của hãng là 250 – 300 triệu đồng/tháng (không nói rõ lương trước hay sau thuế). Phía nhóm phi công tố cáo hãng “gian dối” cho biết, lương thực nhận của họ chỉ khoảng 150 triệu đồng/người/tháng.
Theo quy định của Cục Hàng không Việt Nam, phi công không được khai thác bay quá 100 giờ bay một tháng. Tuy nhiên, nhóm phi công Việt cho rằng, lịch trình hoạt động của hãng hàng không quốc gia Việt Nam có thể đẩy số giờ bay tối đa của một phi công lên tới 150 giờ mỗi tháng.
Như vậy, với một phi công làm việc đạt năng suất tối đa theo quy định của Cục Hàng không Việt Nam, mức lương trung bình hãng công bố trả cho cơ trưởng và cơ phó mỗi giờ bay là khoảng 3 triệu đồng. Nếu tính theo con số mà nhóm phi công Việt cung cấp, mức lương trung bình với một người làm 100 giờ/tháng chỉ là 1,5 triệu đồng.
Trong khi đó, theo bảng thống kê lương phi công (gồm cả cơ trưởng và cơ phó) của 14 hãng hàng không khai thác cả đường bay trong nước và quốc tế của Mỹ, mức chi lương trung bình với các hãng không phải là hàng không giá rẻ cao nhất có thể đạt 110-259 USD/giờ (tương ứng 2,3 triệu – 5,4 triệu); với hãng giá rẻ, cao nhất có thể đạt là 61-156 USD/giờ (tương ứng 1,3 triệu – 3,3 triệu).