Hai Bộ trưởng giải thích 22.000 tỷ từ vay sang cấp phát của VEC

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) chất vấn: theo quy định của Luật Đầu tư công và Luật Ngân sách thì không được phép chuyển vốn vay thành vốn cấp phát. Vậy trên cơ sở nào mà Bộ Giao thông Vận tải vẫn đề nghị chuyển vốn vay 22.000 tỷ đầu tư cho 4 dự án của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc (VEC) thành vốn Chính phủ sẽ cấp phát.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, việc này đã xảy ra rất lâu khi chưa có Luật Đầu tư công, chưa có nghị quyết 07 của Bộ Chính trị (về tái cơ cấu ngân sách, đảm bảo quản lý an toàn nợ công – PV) Chính phủ quyết định bố trí vốn cho VEC lý do là tổng công ty này thực hiện một số đường cao tốc vừa mang yếu tố kinh tế, kỹ thuật nhưng vừa đảm bảo quốc phòng an ninh và an sinh xã hội.

Ví dụ như đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai, không chỉ đột phá cho vùng Tây Bắc mà còn đảm bảo quốc phòng, an ninh và an sinh xã hội. Do đó, nguồn thu từ dự án này không được bù đắp như dự án BOT bình thường. Thực hiện nhiệm vụ chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định giao vốn cho dự án này.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thừa nhận về thủ tục chưa khép kín, chưa xong, làm chậm và khi có Luật Đầu tư công, có nghị quyết 07 của Bộ Chính trị thì khoản tiền này vẫn chưa báo cáo Quốc hội.

Thời điểm này kiến nghị Quốc hội xem xét, song Bộ trưởng Thể khẳng định chấp hành nghiêm quyết định của Quốc hội, Quốc hội quyết định bố trí vốn thì sẽ giải ngân cho VEC còn nếu quyết định giao cho VEC nhận khoản nợ này thì VEC sẽ chấp hành nghiêm và Bộ Giao thông Vận tải cũng chấp hành nghiêm.

Được mời giải trình thêm, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói, nghị quyết 07 của Bộ Chính trị quy định về việc không chuyển nguồn vốn vay lại bảo lãnh Chính phủ thành vốn cấp ngân sách. Luật Quản lý nợ công đã thể chế nguyên tắc trên và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2018.

Còn VEC có 5 dự án được triển khai từ năm 2008, vay ODA Chính phủ vay theo cơ chế vay về cho vay lại.

Bộ trưởng cho biết, trong quá trình triển khai từ 2008 – 2016 đến nay các khoản giải ngân cho dự án này đã ghi tăng vào nợ công. Đến năm 2013 Thủ tướng đã có quyết định số 2072 cho phép chuyển từ cơ chế vay về cho vay lại sang cơ chế nhà nước đầu tư trực tiếp. Lý do vì khó khăn trong quá trình hoàn vốn, VEC đã có báo cáo, Bộ Giao thông có báo cáo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có báo cáo và Thủ tướng ra quyết định 2072.

Trong kế hoạch đầu tư công 2016 – 2020 Quốc hội đã bố trí dự toán cho 5 dự án này là 22.000 tỷ. Thực tế từ giai đoạn 2008 – 2016 đã giải ngân 26.000 tỷ, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng thông tin.

Theo Bộ trưởng, báo cáo của Chính phủ với Quốc hội đã đề cập vấn đề này và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị cần có đánh giá tổng thể về triển khai 5 dự án cũng như cơ chế quản lý vốn vay thành vốn cấp phát. Thường vụ Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị về nội dung này trước khi báo cáo Quốc hội.

Vừa qua Chính phủ đã giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp để báo cáo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang chuẩn bị báo cáo này, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng hồi âm đại biểu.

Lời xin lỗi, nhận trách nhiệm và những lời hứa của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể

Bài viết mới