Tờ New York Times cho biết, trong 10 năm qua, Facebook đã từng bán dữ liệu cá nhân của người dùng cho 60 công ty trong đó có cả những tên tuổi lẫy lừng như Apple, Amazon, Microsoft và Samsung.
Cáo buộc mới xuất hiện không lâu sau khi Facebook điêu đứng vì bê bối liên quan tới dữ liệu cá nhân của khoảng 80 triệu người dùng, sự việc khiến nhà sáng lập Mark Zuckerberg phải ra điều trần trước cả lưỡng viện quốc hội Mỹ và Nghị viện Liên minh châu Âu (EU). Nếu cáo buộc của New York Times là sự thật, bê bối lần này sẽ tiếp tục khiến gã khổng lồ mạng xã hội điêu đứng.
Theo đó, Facebook đã đạt được hàng tá thỏa thuận nhằm chia sẻ dữ liệu người dùng với các nhà sản xuất điện thoại thông minh, máy tính bảng trong thập kỷ qua. Facebook đã hình thành mối quan hệ đối tác chia sẻ dữ liệu với nhiều tên tuổi lớn, trong đó có cả Apple, Amazon, Microsoft và Samsung.
Dù chưa thể xác định mức độ chia sẻ thông tin của Facebook với các đối tác nhưng các thỏa thuận cho phép các công ty tiếp cận được vào dữ liệu người dùng Facebook, trong đó có tình trạng quan hệ, hiểu biết chính trị, lịch sử, giáo dục, tôn giáo và nhiều vấn đề khác. Dường như, chúng được dùng để phục vụ mục đích tạo ra sản phẩm phù hợp với thị hiếu người dùng.
Những cáo buộc xuất hiện khi mạng xã hội lớn nhát thế giới đang bị các nhà lập pháp để mắt trên phạm vi toàn thế giới. Người ta muốn nhìn thấy cách Facebook quản lý dữ liệu cá nhân và các bước tiếp theo nhằm đảm bảo quyền riêng tư của người sử dụng.
Đáp lại báo cáo của New York Times, Facebook cũng có bài viết về thực trạng chia sẻ dữ liệu cá nhân của người dùng mà công ty này tiến hành. Ime Archibong, Phó chủ tịch phục trách quan hệ đối tác, nhấn mạnh: “Những đối tác này đã ký thỏa thuận ngăn việc thông tin của người dùng được sử dụng cho bất cứ mục đích nào khác ngoài tạo ra những trải nghiệm giống như khi dùng Facebook”.
Hiện tại, Apple, Amazon, Microsoft và Samsung đều chưa đưa ra phản hồi với cáo buộc của New York Times.
vài tháng trước, Facebook lún sâu vào bê bối rò rỉ dữ liệu người dùng, vốn bị Cambridge Analytica lạm dụng để gây ảnh hưởng tới cuộc đua vào Nhà Trắng. Theo đó, 87 triệu người dùng đã bị lộ thông tin cá nhân, điều giúp Cambridge Analytica sử dụng để truyền bá những luồn thông tin có thể ảnh hưởng tới việc lựa chọn tổng thống.
Zuckerberg thừa nhận trong quá khứ, công ty đã không thực sự tập trung giải quyết các vấn đề như thế nhưng bây giờ đã khác. Facebook đang xóa hàng trăm triệu tài khoản giả với 20.000 nhân viên ngồi xem các nội dung được đăng tải trên mạng xã hội này. Facebook cũng đang sử dụng trí tuệ nhân tạo để xác định những bài đăng và tài khoản vi phạm quy tắc. “Những biện pháp đó sẽ có tác động rất tích cực để dịch vụ của chúng tôi tốt hơn”, Zuckerberg nhận định trong cuộc họp cổ đông vài ngày trước.