Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, trong tháng 5/2018, giá mủ cao su nguyên liệu tại Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh tăng mạnh. Tại Bình Phước cây cao su bước vào thời kỳ rụng lá, hoạt động khai thác mủ tạm dừng.
Theo ước tính, xuất khẩu cao su tháng 5/2018 ước tính đạt 93 nghìn tấn, trị giá 133 triệu USD, tăng 31,7% về lượng và tăng 33% về trị giá so với tháng 4/2018; tăng 54,4% về lượng và tăng 32,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017. Trong 5 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu cao su ước đạt 424 nghìn tấn, trị giá 620 triệu USD, tăng 17,4% về lượng, nhưng giảm gần 20% về giá trị so với cùng kỳ 2017.
Trong khi đó số liệu hải quan (hiện mới cập nhật hết tháng 4) thì cho biết, xuất khẩu hầu hết các chủng loại cao su của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2018 đều tăng so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, cao su tổng hợp là chủng loại chiếm tỷ trọng cao nhất đạt 163,88 nghìn tấn, trị giá 238,04 triệu USD, tăng 2,2% về lượng, nhưng giảm 27,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017, chiếm 49,4% trong tổng lượng cao su xuất khẩu.
4 tháng đầu năm 2018, lượng cao su SVR 3L xuất khẩu tăng 14,3%, SVR 10 tăng 54,2%, RSS 3 tăng 66,2%, SVR CV60 tăng 4,5%… Trong khi lượng cao su SVR CV50 xuất khẩu giảm 11%, lượng cao su RSS1 giảm 38%, SVR 5 giảm 37,8%…
Trong 4 tháng đầu năm 2018, giá xuất khẩu các mặt hàng cao su đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, cao su SVR 5 có giá xuất khẩu bình quân giảm mạnh nhất, giảm 30,8%, giá cao su tổng hợp giảm 28,7%, SVR 3L giảm 26,7%, SVR 10 giảm 25,6%, RSS3 giảm 28,3%…
Trên thị trường thế giới, tháng 5/2018, giá cao su trên thị trường thế giới tăng so với tháng trước nhờ dự báo nhu cầu từ Trung Quốc và Ấn Độ tăng, mặc dù tồn kho tại các cảng Nhật Bản vẫn ở mức cao. Bên cạnh đó, thị trường cao su được hỗ trợ bởi nguồn cung thấp theo chu kỳ sản xuất trong mùa cao su thay lá.
Trong báo cáo tháng 5/2018, Hiệp hội các nước sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC) dự báo nhu cầu tại Ấn Độ và Trung Quốc (2 quốc gia tiêu thụ 48% lượng cao su tự nhiên toàn cầu) tăng khiến tiêu thụ cao su tự nhiên toàn cầu cao hơn.
Theo đó, ANRPC nâng dự báo tiêu thụ cao su tự nhiên của Trung Quốc năm 2018 lên 5,7 triệu tấn, tăng 6,2% so với năm 2017, tăng so với dự báo giảm 0,6% trong báo cáo tháng trước; dự báo tiêu thụ cao su Ấn Độ cũng được điều chỉnh tăng lên mức 1,2 triệu tấn trong năm 2018, tăng 10,9% so với năm 2017, cao hơn so với mức dự báo tăng 6,8% trong báo cáo tháng 4/2018. Theo dự báo mới, tiêu thụ cao su của hai nước này cao hơn 790.000 tấn so với dự báo trước đó. Dự báo được đưa ra nhờ thị trường cao su 4 tháng đầu năm tốt hơn so với kỳ vọng.
Trong 4 tháng đầu năm 2018, tiêu thụ cao su tự nhiên toàn cầu tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2017, đạt 4,6 triệu tấn; Sản lượng tăng 2,6% lên 4 triệu tấn. Dự báo, năm 2018 sản lượng cao su tự nhiên toàn cầu đạt 14,2 triệu tấn, tăng 6,4% so với năm trước; tiêu thụ dự kiến tăng 6,4% lên 14,3 triệu tấn.
Tuy nhiên, thị trường cao su cũng đối mặt với các yếu tố rủi ro như căng thẳng thương mại giữa Hoa Kỳ – Trung Quốc, lượng tồn kho cao tại các Sở giao dịch, sự biến động của tỷ giá hối đoái.