CPI tháng 5 tăng cao nhất trong 6 năm: Tỷ giá, lãi suất ra sao?

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2018 tăng 0,55% so với tháng trước, là tháng Năm có CPI tăng cao nhất trong 6 năm trở lại đây. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 5 tháng đầu năm 2018 tăng 3,01% so với bình quân cùng kỳ năm 2017. CPI tháng 5/2018 tăng 1,61% so với tháng 12/2017 và tăng 3,86% so với cùng kỳ năm trước.

Lý giải về mức tăng lạm phát , Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, người phát ngôn Chính phủ cho biết mức tăng này là do thịt hơi 0,25%, xăng dầu tăng 0,16%, tổng cộng tăng 0,41%. “Lạm phát sẽ cố gắng duy trì trong khoảng 3,72% – 3,94%, dưới 4% theo Quốc hội yêu cầu. Chính phủ đủ khả năng kiểm soát lạm phát, điều hành toàn bộ nền kinh tế vĩ mô”, ông Dũng nói.

Với diễn biến CPI trong tháng vừa qua BizLIVE cũng có cuộc trao đổi với các chuyên gia kinh tế về vấn đề này, liệu lạm phát có trong vòng kiểm soát 4%? Đồng thời đặt câu hỏi lạm phát tăng, chính sách tiền tệ khó nới lỏng, điều này ảnh hưởng tới xu hướng lãi suất và tỷ giá ra sao.

Tỷ giá nhiều áp lực nhưng không quá quan ngại

(TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc Trường Đào tạo Cán bộ BIDV)

“Chúng ta sẽ phải rất khéo kiểm soát, năm nay áp lực tăng lạm phát cao hơn so với năm ngoái. Về yếu tố bên ngoài, thì giá hàng hoá nhiên liệu đã tăng khá nhanh, như giá dầu brent từ đầu năm tới nay đã tăng khoảng 24%.

Về yếu tố nội tại bên trong, năm nay dự kiến Việt Nam cũng sẽ tiếp tục lộ trình điều chỉnh giá một số mặt hàng cơ bản. Cuối năm ngoái giá điện đã được điều chỉnh tăng, sang năm nay giá xăng dầu cũng điều chỉnh theo, tháng 5 vừa rồi điều chỉnh 2 lần, một số mặt hàng khác khác như y tế giáo dục cũng sẽ được điều chỉnh tăng.

Trong khi đó, áp lực đối với tỷ giá cũng ở mức độ cao hơn so với năm ngoái. Năm ngoái đồng USD đã mất khoảng gần 10% nhưng từ đầu năm tới nay, đồng tiền này đã tăng khoảng 1,8%, điều này tạo ra áp lực đối với tỷ giá USD/VND.

Việc Mỹ tiếp tục tăng lãi suất cũng như tăng trưởng của kinh tế lớn nhất thế giới tương đối khả quan sẽ kéo theo khả năng USD năm nay tăng giá thay vì mất giá như năm ngoái, gấp áp lực cho đồng VND. Do đó, tôi cho rằng, năm nay nếu chúng ta giữ được lạm phát ở mức 4% đã là rất thành công rồi.

Tỷ giá sẽ có nhiều áp lực hơn dù vậy, tôi cũng cho rằng, chúng ta không cần phải quá quan ngại. Theo số liệu từ từ đầu năm tới nay thì đồng VND mới chỉ giảm khoảng 0,47%. Trong khi đó, quan hệ cung cầu ngoại tệ của Việt Nam vẫn khá ổn, trong khi NHNN vẫn tiếp tục điều hành chính sách tỷ giá trung tâm linh hoạt. Ngoài ra, dự trữ ngoại hối đang ở mức cao kỷ lục cũng giúp tăng khả năng chống đỡ các cú sốc từ bên ngoài.

Để duy trì được mức lạm phát mục tiêu chúng ta sẽ phải rất quyết liệt, như tiến độ tăng giá một số mặt hàng phải xem xét để có lộ trình phù hợp, phải phối hợp giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khoá, giá cả để đảm bảo CPI không tăng nhanh và bùng phát vào những thời điểm như cuối năm.

Liên quan đến vấn đề lãi suất, trong bối cảnh hiện nay, khi lạm phát tăng lên sẽ khiến cho việc giảm lãi suất cho vay khó khăn hơn.

Nguyên nhân là do lãi suất đồng USD tại Mỹ tiếp tục tăng lên, trong nước thì áp lực lạm phát khá lớn, nhu cầu huy động vốn của nền kinh tế để hướng đến mục tiêu tăng trưởng tín dụng đạt 17% thì rất khó giảm lãi suất đầu vào. Điều này khiến giảm lãi suất đầu ra khó khăn hơn”.

Ngưỡng 23.000 đồng/USD nhiều khả năng chưa bị phá vỡ

(TS. Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính, Học viện Tài chính)

“Những yếu tố chính làm CPI tháng 5 tăng mạnh không mang tính thường xuyên, cụ thể 2 yếu tố chính là giá xăng dầu và giá thực phẩm đều là 2 mặt hàng có giá cả biến động, nhất thời. Với tổng cầu ở mức vừa phải thể hiện qua lạm phát cơ bản tăng 1,37% trong vòng 12 tháng qua, mức biến động của giá thực phẩm được dự báo sẽ không quá lớn, nếu tính cho cả năm 2018. Cụ thể, đối với giá thịt lợn có tháng tăng, có tháng giảm, có tháng đứng yên.

Kể từ đầu năm giá thực phẩm tăng khoảng 2%, nếu tính trong vòng một năm, con số này là 3,36%, mức tăng của năm nay có thể cũng chỉ ở khoảng trên dưới 4$, tức là trung bình thấp hơn 0,4%/tháng.

Tương tự đối với giá dầu, khoảng 3 tuần trở lại đây giá dầu thô tại thị trường New York đã giảm trở lại so với mức tăng lên đến 72 USD/thùng trước đó. Với nguồn cung dầu đá phiến của Mỹ vẫn tiếp tục tăng đồi thời Nga và Ả-rập-xê-út cùng tăng sản lượng so với mức cam kết trước đâu, khả năng giá dầu cũng sẽ khó tăng mạnh.

Tôi cho rằng về lâu dài lạm phát sẽ xoay quanh lạm phát cơ bản. Nếu CPI tăng trung bình 0,45%/tháng trong thời gian còn lại của năm với lạm phát trung bình trong 5 tháng đầu năm 2018 mới ở mức 3% thì mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 4% trong năm nay vẫn đạt được.

Chính sách tiền tệ vừa qua, lãi suất giảm chủ yếu lãi suất trái phiếu Chính phủ giảm mạnh còn lãi suất huy động và cho vay thay đổi không nhiều nên thay đổi không lớn.

CPI tháng 5 tăng cao nhất trong 6 năm: Tỷ giá, lãi suất ra sao? - Ảnh 1.

Diễn biến CPI từ tháng 1/2017 đến tháng 5/2018. Nguồn: Tổng cục Thống kê

Về xu hướng tỷ giá, dù đồng USD trên thị trường thế giới biến động thế nào, với tình hình cung cầu ngoại tệ và dự trữ ngoại hối hiện nay, Ngân hàng Nhà nước sẽ không để tỷ giá tăng mạnh. Ngưỡng tâm lý 23.000 đồng đổi 1 USD nhiều khả năng sẽ chưa bị phá vỡ từ nay đến cuối năm 2018. Việc tỷ giá tăng mạnh trong ngày 29/5 vừa qua có thể 1 phần do lo ngại về lạm phát sau khi Tổng cục Thống kê công bố số liệu”.

Điều tiết giá cần xóa lợi ích nhóm

(TS. Nguyễn Minh Phong, Nguyên Trưởng Phòng Nghiên cứu Kinh tế, Viện Nghiên phát triển Kinh tế – Xã hội Hà Nội)

“Năm nay, việc kiểm soát lạm phát là một trong những nhiệm vụ ưu tiên của Chính phủ khi CPI tháng 5 đã tăng cao nhất trong vòng 6 năm qua.

Xét theo chu kỳ tăng giá trong năm, tháng 5 là tháng tăng thấp, nhưng những năm gần đây, đặc biệt năm nay CPI tháng 5 lại có tốc độ tăng rất cao, tăng tới 0,55% so với tháng trước, nếu cộng dồn các yếu tố thì CPI tháng 5 còn cao nữa. Điều này đã “đẩy” CPI 5 tháng đầu năm 2018 tăng 1,61% so với cuối năm 2017.

Các yếu tố khiến cho CPI tăng mạnh gồm cả yếu tố chủ quan lẫn khách quan.

Yếu tố khách quan, đó là giá xăng dầu thế giới tăng cộng với chỉ số CPI toàn cầu trong xu hướng tăng. Yếu tố chủ quan là việc tăng giá một số mặt hàng cơ bản trong nước: điện, lương thực, thực phẩm…

Đây là năm nhiều thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam, việc kiềm chế tốc độ tăng CPI cần rất nhiều nỗ lực từ Chính phủ và các bộ ban ngành. Vì tình hình giá cả hàng hóa thế giới cho thấy giá dầu đang có xu hướng tăng mạnh, Chính phủ cần có giải pháp đồng bộ mới có thể đạt được mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức 4% như kế hoạch đề ra.

Để đạt được mục tiêu này, Chính phủ cần theo dõi và kiểm soát sự tăng giá các mặt hàng hằng tháng. Kiểm soát chặt những mặt hàng cơ bản tác động đến giá các hàng hóa khác như: dầu, điện, than.

Đặc biệt, với những mặt hàng trong nước sản xuất được, chủ động được, đó là nông sản chiếm trọng số cao trong chỉ số giá, Chính phủ cần có biện pháp chủ động kiểm soát và điều tiết cân đối các mặt hàng, không để tình trạng thừa thiếu nhất thời tác động tâm lý tạo cơ hội tăng giá…

Mục tiêu lạm phát ở mức 4% năm nay khá khó khăn trong khi tăng trưởng GDP vẫn phải duy trì tăng cao, giá cả hàng hóa thế giới biến động tăng… Những tháng đầu năm 2018, Chính phủ cũng đã nỗ lực nhưng hành động phối hợp từ trên xuống chưa chặt chẽ.

Từ giờ đến cuối năm, các giải pháp, hành động phải mạnh hơn, quyết liệt hơn trong việc điều tiết giá các mặt hàng trọng yếu, các mặt hàng tạo chi phí đẩy, tránh lợi ích nhóm. Như thế, cơ hội kiềm chế lạm phát mới đạt được”.

Kiểm soát lạm phát dưới 4% là thách thức

(PGS.TS Ngô Trí Long, Nguyên Viện trưởng Viện Quản lý giá – Bộ Tài chính)

“Đặc điểm trong 5 tháng vừa qua chỉ số giá tiêu dùng tăng bình quân 3,01% trong khi mục tiêu cả năm 4% nên 7 tháng còn lại dư địa còn thấp. Riêng tháng 5 tăng đột biến, cao nhất trong 6 năm trở lại đây, trước sức ép như vậy năm 2018 kiểm soát lạm phát cũng là thách thức.

Xu hướng tăng vừa qua có nguyên nhân do giá dầu và dự báo xu hướng tiếp tục tăng, giá thịt lợn phục hồi tăng gấp đôi so với thời điểm thấp nhất. 7 tháng còn lại khả năng kiểm soát khó khăn nên quyết định các giá nhà nước điều hành không tăng, đặc biệt là giá điện. Cuộc họp Chính phủ vừa rồi Thủ tướng Chính phủ đã nói rất mạnh về vấn đề này, Thủ tướng chỉ đạo 1 số loại giá nhà nước định xem xét điều chỉnh có lộ trình.

Nhưng có mâu thuẫn là tăng trưởng muốn tăng tốc độ cao, phấn đấu 6,8% mà tốc độ tăng như vậy cho thấy mối quan hệ với lạm phát là một bài toán khó”.

NHNN: Sẽ ổn định thị trường ngoại tệ và tỷ giá trong biên độ cho phép

Bài viết mới