Rất nhiều nhà đầu tư khi bắt đầu tìm hiểu về chứng khoán đều tràn đầy hy vọng sẽ thành đại gia hay chí ít cũng kiếm được chút đỉnh trên thị trường. Họ thường hay tìm đến những khóa học về đầu tư hay tham gia các hội thảo chuyên đề để hiện thực hóa ước mơ của mình. Nhưng dù đã nỗ lực học tập miệt mài, không ngừng với những phương pháp được chia sẻ trong sách vở hay “bí kíp” của những nhà đầu tư nổi tiếng thì số lượng có thể kiếm được tiền bền vững trên thị trường chỉ đạt một tỷ lệ rất nhỏ.
Bên cạnh việc áp dụng các bí quyết thành công, nhà đầu tư cũng nên xem xét lại lý do thất bại của mình. Điều này giúp chính bản thân ta hiểu chính xác hơn những thiếu sót, sai lầm trong chính trường hợp của mình và sẽ điều chỉnh sao cho phù hợp hơn. Một chiến lược đầu tư tuân thủ kỉ luật riêng kèm với kinh nghiệm của bản thân là điều không thể thiếu của một nhà đầu tư thông minh.
Dưới đây là một số lý do thất bại điển hình ảnh hưởng đến cơ hội mà mỗi nhà đâu tư nên tránh trong việc đầu tư chứng khoán:
1.Thay đổi chiến lược liên tục
Sự thay đổi trong cuộc sống có thể là một điều tốt trong nhiều lĩnh vực. Đôi lúc chúng ta cũng nên thay đổi các phương pháp, chiến lược để có thể linh hoạt hơn trong quá trình đầu tư. Tuy nhiên việc thường xuyên thay đổi các chiến lược là dấu hiệu cho sự thất bại. Điều này cũng chứng minh rằng bạn chưa bao giờ nghiêm túc khi đưa ra cách chiến lược một cách khả thi nhất. Mặc dù bạn đang mày mò, cố gắng cải thiện các nhưng chắc chắn kết quả mang lại sẽ rất thấp.
Các nhà đầu tư nên thể hiện sự kiên nhẫn và gắn bó với các chiến lược của mình. Bạn sẽ thấy điều này rất rõ ở các nhà đầu tư hàng đầu. Họ luôn trung thành với chiến lược của họ và thay vì đổi kế hoạch, họ sẽ đương đầu với các vấn đề sẽ phát sinh.
2. Mong muốn kiếm tiền nhanh và dễ dàng
Không đâu thể hiện lòng tham rõ nhất trên thị trường chứng khoán. Trên thị trường chứng khoán để kiếm được tiền đã khó, những để giữ được tiền đôi khi còn khó hơn rất nhiều. Khi kiếm được tiền rồi, chúng ta lại mong muốn nhiều hơn và nhanh hơn. Nếu không chuẩn bị những kỹ năng và kiến thức cần thiết, đặc biệt là tính kỷ luật thì có thể bản thân tài khoản sẽ thua lỗ nặng.
Nóng lòng muốn kiếm tiền ngay sẽ khiến chính ta vội vàng cuốn theo đà hưng phấn của thị trường dẫn đến những sai lầm đáng tiếc đó là mua vội cổ phiếu ở vùng giá cao và không kịp thoát khi cổ phiếu vào nhịp điều chỉnh sâu. Hãy học cách kiểm soát bản thân mình trước khi bước vào thị trường.
3. Mua bán theo số đông
Dường như câu nói “mua có bạn, bán có phường” thường khó sử dụng trên thị trường chứng khoán khi số đông thường là số mất tiền. Các hoạt động “phím hàng” mà nhà đầu tư không tìm hiểu kỹ hay mua theo số đông thường không đem lại kết quả tốt.
4. Sai thời điểm
Một trong những điều góp phần cho sự thành công đó là biết xác định các cơ hội giao dịch. Các cơ hội sẽ giúp bạn mang lại nhiều lợi nhuận hơn. Điều bạn phải làm là xác định và nắm bắt các thời cơ đó.
Trong giao dịch,thời gian có thể là ranh giới giữa thành công và thất bại. Mặc dù chiến lược của bạn hoàn hảo đến mức nào nếu không biết kết hợp với hoàn cảnh, không biết tận dụng cơ hội thì bạn vẫn sẽ thất bại. Và lời khuyên cho bạn là đừng quá do dự vào các quyết định của bản thân.
5. Thiếu niềm tin
Khi nhà đầu tư bị mất liên tục các khoản vốn trong tài khoản, họ sẽ trở nên lo lắng và sẽ ảnh hưởng đến tâm lý cũng như tinh thần của nhà đầu tư. Tâm lý lo sợ thất bại sẽ làm họ không muốn đầu tư nữa hoặc lo lắng về các rủi ro kế tiếp xảy ra có thể làm họ mất đi toàn bộ số vốn.
Khi thiếu niềm tin, bạn sẽ không thể quyết đoán được bất cứ điều gì và sẽ luôn đưa ra những quyết định sai lầm. Nếu bạn muốn thành công khi giao dịch, bạn phải có niềm tin và chắc chắn với những điều mình làm. Muốn làm được điều này, không còn cách nào ngoài việc phải luôn nghiên cứu kỹ lưỡng và đặt niềm tin vào chiến lược của mình. Và đừng để bất kì tác nhân xấu nào làm ảnh hưởng đến quá trình đầu tư bạn.
6. Sai lầm với suy nghĩ mua lượng lớn cổ phiếu giá thấp thay vì số lượng nhỏ cổ phiếu giá cao
Nhiều người nghĩ rằng sẽ khôn ngoan hơn nếu mua số lượng hàng trăm hoặc hàng nghìn cổ phần. Điều này tạo cho người ta cảm giác rằng họ đang mua được nhiều hơn với số tiền của mình. Tốt hơn họ nên mua 30 hoặc 50 cổ phần có giá cao của những công ty đang thể hiện thành tích tốt. Hãy suy nghĩ theo số tiền mà bạn đầu tư thay vì số cổ phần bạn có thể mua.
Hãy mua mặt hàng tốt nhất có thể, chứ không phải mặt hàng rẻ nhất. Nhiều nhà đầu tư không cưỡng lại nổi trước những cổ phiếu giá “trà đá” nhưng đa số các cổ phiếu được bán ở mức giá thấp đều có lý do giải thích cho sự rẻ mạt của chúng. Hoặc là chúng đã tỏ ra kém cỏi trong quá khứ hoặc là chúng đang gặp rắc rối ngay trong hiện tại. Chỉ nên đánh đổi tham gia khi chúng ta thực sự biết rõ câu chuyện sắp tới đây của doanh nghiệp hay một thông tin đặc biệt nào đó có độ tin cậy cao. Cổ phiếu cũng như mọi thứ hàng hóa khác: Mặt hàng tốt nhất không bao giờ có mức giá rẻ nhất, hay nói cách nôm na là “tiền nào của ấy”.