Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký quyết định phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế mở Chu Lai, tỉnh Quảng Nam đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050.
Phạm vi lập quy hoạch có diện tích khoảng 27.040 ha, bao gồm thị trấn Núi Thành và các xã Tam Quang, Tam Hiệp, Tam Hòa, Tam Anh Bắc, Tam Anh Nam, Tam Tiến và một phần xã Tam Nghĩa thuộc huyện Núi Thành; các xã Tam Thanh, Tam Phú, một phần xã Tam Thăng và phường An Phú thuộc thành phố Tam Kỳ; các xã Bình Hải, Bình Sa, một phần xã Bình Nam, Bình Trung, Bình Tú, Bình Triều, Bình Minh, Bình Đào thuộc huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam.
Mục tiêu quy hoạch nhằm xây dựng Khu kinh tế mở Chu Lai phù hợp với chiến lược phát triển quốc gia, chiến lược phát triển biển Việt Nam.
Nghĩa là xây dựng khu kinh tế này là trung tâm phát triển du lịch, dịch vụ, đô thị, công nghiệp, logistics và sản xuất nông nghiệp của vùng và khu vực, gắn kết chặt chẽ phát triển kinh tế với đảm bảo an ninh, quốc phòng.
Khu kinh tế mở Chu Lai có tính chất là khu kinh tế biển đa ngành, đa lĩnh vực. Đặc biệt là trung tâm công nghiệp ô tô và công nghiệp phụ trợ ngành ô tô, hàng không, trung tâm khí – điện và sản phẩm hóa dầu, công nghiệp dệt may và phụ trợ ngành dệt may, các loại hình công nghiệp khác ứng dụng công nghệ cao và có hàm lượng chất xám cao…
Không chỉ vậy, khu kinh tế còn là là một trong các đầu mối về giao thông vận tải, giao thương và giao lưu quốc tế quan trọng.
Quy mô dân số hiện trạng Khu kinh tế mở Chu Lai là 128.094 người, dự báo sơ bộ quy mô dân số đến năm 2035 khoảng 550.000 – 600.000 người.
Dự báo đất xây dựng công nghiệp năm 2035 khoảng 5.000 ha, quỹ đất xây dựng các khu chức năng đô thị, du lịch dịch vụ đến năm 2035 khoảng 7.000 ha.
Các chỉ tiêu về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật của bản quy hoạch được yêu cầu áp dụng theo quy chuẩn quy hoạch xây dựng hiện hành đối với đô thị loại II cho khu vực phát triển đô thị và quy chuẩn quy hoạch xây dựng hiện hành đối với các khu chức năng khác.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu đánh giá về điều kiện tự nhiên cũng như các hướng phát triển của khu kinh tế, về vấn đề sử dụng đất, hạ tầng, định hướng phát triển hạ tầng trong tương lai…
Đồng thời, bản quy hoạch cũng phải dự báo phát triển về kinh tế, xã hội, dân số, lao động và đất đai. Dự báo sự thay đổi của môi trường tự nhiên do sự tác động của đô thị hóa và phát triển kinh tế – xã hội, dự báo nhu cầu sử dụng đất, quy mô các khu chức năng của Khu kinh tế theo từng giai đoạn, dự báo các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật áp dụng cho khu vực.
Tổ chức không gian và phân khu chức năng cần xác định tầm nhìn của Khu kinh tế mở Chu Lai đến năm 2050. Định hướng phát triển không gian, kiến trúc cảnh quan và thiết kế đô thị đến năm 2035 cần nghiên cứu, rà soát, kế thừa hợp lý các kết quả nghiên cứu đồ án quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế mở Chu Lai và các quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị và các quy hoạch ngành liên quan với Khu kinh tế mở Chu Lai đã được phê duyệt.
Phó Thủ tướng cho biết phải đưa ra đề xuất cấu trúc phát triển, tổ chức không gian các khu chức năng phù hợp với yêu cầu phát triển mới, các khu vực theo định hướng quy hoạch chung xây dựng năm 2004 cần giữ ổn định. Các khu vực theo định hướng quy hoạch chung xây dựng năm 2004 cần điều chỉnh, các khu vực phát triển mới.
Bên cạnh đó, cần nghiên cứu giải pháp cải tạo các khu vực dân cư hiện hữu, các khu chức năng vùng đệm hỗ trợ phát triển, các khu đô thị và khu vực nông thôn trong Khu kinh tế…
Thời gian lập quy hoạch không quá 12 tháng kể từ khi Nhiệm vụ quy hoạch được phê duyệt.