Bicester, 1 thị trấn nhỏ bé ở Oxfordshire, hiện đang là điểm đến “hot” thứ hai đối với các khách du lịch Trung Quốc khi đến Anh, chỉ sau Cung điện Buckingham Palace. Tuy nhiên Liu Xiaoming, đại sứ Trung Quốc tại Anh từ năm 2009, từng nói nửa đùa nửa thật rằng mới đây ông đã từ chối lời mời tham gia lễ trồng cây tại đây. Thị trấn nhỏ bé này không có gì đặc biệt, ngoại trừ trung tâm mua sắm có tên Bicester Village. Dọc con đường kéo dài khoảng 1km là hơn 160 cửa hàng chuyên bán đồ hiệu giảm giá với đủ nhãn hiệu, từ Boss, Gucci đến Salvatore Ferragamo hay Versace.
Lý do khiến ông Liu không muốn đến thăm Bicester là “Trung Quốc hiện đang là 1 nước đang phát triển”, do đó với tư cách 1 đại sứ việc ông xuất hiện ở đây có thể mang ý nghĩa khuyến khích tiêu xài phung phí và điều đó là không nên. Tuy nhiên, năm ngoái địa điểm này vẫn chào đón 6,6 triệu du khách, tương đương với lượng khách đến thăm Bảo tàng Anh (British Museum) và khoảng 25% là khách Trung Quốc. Khi những đoàn tàu đi vào sân ga Bicester Village, du khách sẽ dễ dàng nhìn thấy những tấm biển viết bằng tiếng Trung.
Một người đàn ông trung niên sau chuyến đi chơi kéo dài 1 tuần lễ ở Anh đã bỏ hơn 1.000 bảng (tương đương 1.400 USD) mua khoảng nhiều chiếc áo sơ mi Charles Tyrwhitt cùng với 1 chiếc jacket của Burberry. Một vị khách khác, vốn là giáo sư nghỉ hưu, thì chi hơn 200 bảng cho những chiếc áo phông của Boss. Một cô gái đến từ Hồ Nam thích thú với lọ kem dưỡng da của Estée Lauder. Tất cả hào hứng cho biết mua ở đây rẻ hơn nhiều so với ở Trung Quốc, nhờ đồng bảng rẻ và chính sách miễn thuế giá trị gia tăng cho khách du lịch nước ngoài.
Theo Global Blue, khách du lịch Trung Quốc đã mua hơn 1/4 lượng hàng hóa miễn thuế được bán ở Anh trong năm ngoái. Lượng tiền mà họ chi tiêu tăng gần 30% so với 1 năm trước. Để khách Trung Quốc cảm thấy thoải mái hơn, các cửa hàng ở Bicester Village mới đây còn trang bị thêm thiết bị để có thể thanh toán qua WeChat, nền tảng thanh toán thông dụng nhất ở Trung Quốc. Người Trung Quốc ra nước ngoài thường phàn nàn về sự lạc hậu của các nước khác trong thanh toán điện tử. Ở các thành phố lớn của Trung Quốc tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt hiện đã giảm xuống mức rất thấp.
Về mặt kinh tế, hoàn toàn có thể khẳng định làn sóng người Trung Quốc đi du lịch nước ngoài đang thay đổi cả thế giới. Các thương hiệu đồ xa xỉ sẽ cảm nhận điều này rõ ràng nhất. Theo hãng tư vấn McKinsey, người Trung Quốc chiếm tới 1/3 tổng chi cho hàng hóa xa xỉ của thế giới. Trong giai đoạn 2008 – 2016 họ đóng góp 3/4 trong tốc độ tăng trưởng tiêu dùng cho hàng xa xỉ.
Phần lớn số tiền này được người Trung Quốc tiêu ở nước ngoài, nơi giá cả thường rẻ hơn đáng kể so với trong nước. Tuy nhiên McKinsey cũng chỉ ra rằng kể cả khi giá tương đương thì khoảng 1/3 các khách hàng Trung Quốc vẫn thích mua hàng hóa xa xỉ ở nước ngoài. Trong năm 2016 họ chi tổng cộng hơn 260 tỷ USD, cao hơn gấp đôi so với số tiền khách du lịch Mỹ chi ở nước ngoài và chiếm khoảng 1/5 tổng lượng chi tiêu trên toàn cầu bởi khách du lịch quốc tế. Chỉ 1 thập kỷ trước, tỷ lệ là chưa đến 3%.
Không chỉ dừng lại ở hàng hóa đơn thuần, có xu hướng khách Trung quốc ngày càng quan tâm nhiều hơn đến những trải nghiệm xa xỉ hoặc những chuyến du lịch mạo hiểm đắt đỏ. Ví dụ, lượng khách Trung Quốc đi tour thám hiểm Nam Cực hiện đang đông thứ hai thế giới, chỉ đứng sau Mỹ. Mùa tour 2016 – 17, có 5.100 khách Trung Quốc tham gia tour này trong khi năm 2011-12 chỉ có hơn 1.000 người.
Và đây mới chỉ là khởi đầu. Hiện chưa đến 10% dân số Trung Quốc có hộ chiếu, so với tỷ lệ ở Mỹ năm 2017 là hơn 40%. Công ty du lịch Ctrip dự báo đến cuối thập kỷ này số lượng người Trung Quốc có hộ chiếu sẽ tăng gấp đôi, lên 240 triệu người.