Ngày 31/5/2018, Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) ra Quyết định số 67/ANĐT-P4 truy nã đối với Vũ Đình Duy, nguyên Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi dầu khí (PVTex).
Tội danh bị khởi tố là “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 165 Bộ luật Hình sự năm 1999 và “Nhận hối lộ” quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Trước đó, ngày 16/6/2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã ra quyết định khởi tố 5 bị can, ra lệnh bắt tạm giam 4 bị can (có một người bị bắt trước đó) gồm Trần Trung Chí Hiếu – nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị PVtex; Vũ Đình Duy – nguyên Tổng giám đốc PVtex; Vũ Phương Nam – kế toán trưởng; Đào Ngọ Hoàng – nguyên Trưởng phòng Thương mại hợp đồng PVtex và Đỗ Văn Hồng – Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty PVC.KBC.
Riêng Vũ Đình Duy, tại thời điểm cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố chưa xác định được đang ở đâu.
Vào cuối năm 2016 dư luận xôn xao trước việc ông Vũ Đình Duy, cựu Tổng giám đốc PVtex, lúc đó đang là thành viên Hội đồng thành viên Tập đoàn Hóa chất (Vinachem) bỗng dưng vắng mặt nhiều ngày ở cơ quan.
Trước đó, ông Duy có đơn xin nghỉ để đi nước ngoài chữa bệnh. Trong khi đơn này chưa được chấp thuận, ông Duy vẫn không đi làm, vắng mặt tại cơ quan từ cuối tháng 10/2016.
Nhà máy xơ sợi polyester Đình Vũ (Hải Phòng) do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nắm giữ trên 75% vốn cổ phần, có tổng vốn đầu tư lên tới 325 triệu USD (tương đương gần 7.000 tỷ đồng).
Nhưng ngay từ khi chạy thử, rồi vận hành vào tháng 5/2014, nhà máy này liên tục gặp khó khăn, chất lượng sản phẩm không ổn định, không bán được hàng. Nhà máy này cũng đã phải dừng hoạt động nhiều lần.
Báo cáo của Bộ Công Thương gửi Thủ tướng khẳng định nhiều dữ liệu tính toán tại báo cáo nghiên cứu khả thi trước khi làm nhà máy là “phi thực tế” khiến phát sinh khoản chênh lệch rất lớn khi đi vào hoạt động.
Như chi phí điện cả năm, theo báo cáo nghiên cứu khả thi (để làm căn cứ đầu tư nhà máy), sẽ chỉ tốn khoảng 4,69 triệu USD nhưng thực tế lên tới 12 triệu USD.
Tương tự, chi phí hóa chất, phụ liệu khác theo tính toán chỉ 500.000 USD song thực tế lại lên tới 11 triệu USD. Nếu như dự kiến, nhà máy khi hoàn thành chỉ cần khoảng 500 nhân viên thì thực tế, PVTex đã phải thuê tới 1.000 nhân viên…
Đặc biệt, tính toán ban đầu cho rằng nhà máy có khả năng thu hồi vốn trong 8 năm 8 tháng, nhưng khi tính toán lại, phải mất tới 22 năm 10 tháng dự án mới thu hồi được vốn.
Mặt khác, theo báo cáo của Bộ Công Thương, nhà máy của PVTex được thiết kế để sản xuất được 500 tấn xơ sợi/ngày phục vụ ngành công nghiệp dệt, may trong nước. Tuy nhiên, ngay khâu thi công đã có vấn đề, nhà máy chậm tiến độ 2 năm. Năm 2014, năm đầu tiên đi vào sản xuất, chỉ vận hành khoảng 7 tháng nhưng nhà máy lỗ hơn 1.085 tỉ đồng.