Ông Phạm Hồng Dương, Phó Chủ tịch Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA), cho biết tính đến ngày 15/4, lượng đường tồn kho trong nước đã chạm mốc gần 681.000 tấn, cao hơn cùng kỳ năm 2017 khoảng 37.300 tấn. Hiện cả nước có 10 nhà máy đã kết thúc vụ sản xuất 2017-2018 với lượng đường sản xuất được 1.114.225 tấn đường, tăng hơn cùng kỳ 146.389 tấn.
“Điều đáng lo lắng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường đường trong nước là hàng trăm ngàn tấn đường lỏng đang được nhập khẩu từ Trung Quốc với thuế suất 0%. Giá đường lỏng lại rẻ hơn đường trắng 2.000-3.000 đồng/kg nên ảnh hưởng rất lớn đến tiêu thụ đường trong nước. Trong khi đó các doanh nghiệp sản xuất, chế biến bánh kẹo trong nước cũng đang có xu hướng giảm hơn 30% lượng đường mía để chuyển sang sử dụng đường lỏng”, ông Phạm Hồng Dương lo lắng.
Mặc dù đang giai đoạn cuối vụ thu hoạch, nhưng giá mía đường ở tỉnh Kiên Giang vẫn sụt giảm nghiêm trọng. Ảnh: Lê Huy Hải – TTXVN
Khảo sát của phóng viên cho thấy, giá bán buôn đường kính trắng loại 1 (có VAT) tại các nhà máy ở miền Nam giao động từ 11.200 – 11.800 đồng/kg, giảm 5.000 – 5.500 đồng/kg so với cùng thời điểm tháng 4 năm 2017. Riêng giá thu mua mía tại ruộng khu vực miền Nam cũng giảm mạnh, chỉ từ 800.000 – 950.000 đồng/tấn, giảm từ 150.000 – 200.000 đồng/tấn.
“Giá đường liên tục sụt giảm ở thị trường trong nước và thế giới khiến việc tiêu thụ đường khó khăn. Hiện giá đường bán tại các nhà máy gần ngang giá đường nhập lậu, thậm chí không ít nhà máy còn bán thấp hơn giá thành sản xuất để giảm bớt lượng đường tồn kho khi chỉ còn 11.400-12.000 đồng/kg”, ông Phạm Hồng Dương nói thêm.
Lý giải về nguyên nhân khiến lượng đường tồn kho cao, theo các chuyên gia kinh tế, thị trường đường thế giới đang gặp nhiều khó khăn khi giá xuống thấp. Lượng đường thế giới tăng cao kỷ lục với 178 triệu tấn, hơn năm 2017 khoảng 10 triệu tấn, dư thừa trên 5 triệu tấn so với nhu cầu, khiến giá đường giảm xuống mức thấp nhất trong 4 năm trở lại đây. |
“Các tỉnh đồng bằng Cửu Long trước kia có 10 nhà máy đường nhưng đến nay đã có 4 nhà máy đóng cửa, phá sản do thua lỗ, không cạnh tranh được. Để đảm bảo tiêu thụ được đường, chúng tôi đã khuyến khích các các doanh nghiệp trong Hiệp hội cần chủ động giữ chân khách hàng truyền thống, tiếp tục đẩy mạnh phát triển các khách hàng mới. Ngoài ra, các nhà máy cũng cần linh hoạt hạ giá thành để tiêu thụ được đường”, ông Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch VSSA, cho hay.Ngoài ra, những nguyên nhân nội tại của ngành đường Việt Nam vốn tồn tại dai dẳng nhiều năm không dễ ngày một ngày hai giải quyết dứt điểm cũng đang ảnh hưởng không nhỏ đến sản lượng, chất lượng. Những nguyên nhân đó bao gồm: Diện tích nhỏ lẻ, manh mún, khó khăn trong việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa, nhiều nhà máy đường có công suất ép nhỏ, trang thiết bị lạc hậu làm giá thành sản phẩm tăng khó cạnh tranh với đường của một số nước có thế mạnh hơn…
Thông tin mới nhất từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ mới ban hành Đề án phát triển mía đường đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Theo đó sẽ rà soát, xây dựng, phát triển vùng nguyên liệu mía theo hướng phát huy lợi thế vùng; nâng cao hiệu quả sản xuất, hạ giá thành mía nguyên liệu. Ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục rà soát những nhà máy, vùng không có khả năng đáp ứng nguyên liệu để có thể di chuyển nhà máy đến vùng có lợi thế hơn. Đảm bảo sản xuất mía ổn định 300.000 ha và không xây dựng thêm nhà máy sản xuất đường mới, chỉ mở rộng công suất các nhà máy hiện có ở vùng còn khả năng phát triển vùng nguyên liệu.
Xem link bài gốc tại đây