Italy có thể là Hy Lạp tiếp theo, chỉ có điều tệ hơn

Gần một thập kỷ sau khi cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp khiến thị trường tài chính toàn cầu hoảng loạn, đợt bất ổn chính trị mới ở Italy lại làm dấy lên những nỗi sợ về số phận của hệ thống tài chính châu Âu và đồng tiền chung Euro.

Theo hãng tin CNBC, điều khác biệt là lần này, những con số lớn hơn nhiều.

Italy – mắt xích lớn của Eurozone

“Nền kinh tế Italy lớn gấp 10 lần nền kinh tế của Hy Lạp – quốc gia mà cuộc khủng hoảng nợ đã gây sốc đến tận nền móng của khu vực sử dụng đồng Euro”, ông Desmond Lachman, một chuyên gia thuộc Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ (AEI), nhận định. “Đồng tiền chung khó có thể tồn tại dưới dạng hiện nay nếu Italy buộc phải rời khỏi thỏa thuận tiền tệ của châu Âu”.

Italy – nền kinh tế với quy mô 2.182 tỷ USD – đã chật vật kể từ đợt suy thoái kinh tế toàn cầu hậu khủng hoảng tài chính 2008-2009, với mức nợ “khủng” tương tự mức nợ của Hy Lạp.

Dưới sức ép của “núi” nợ khổng lồ, Hy Lạp đã phải mạnh tay cắt giảm chi tiêu công và nền kinh tế chìm sâu trong suy thoái. Đối với Italy, khủng hoảng nợ cũng chính là vấn đề trung tâm trong tình trạng bất ổn chính trị hiện nay, và nhiều Chính phủ liên tiếp của nước này đã không thể giải quyết được thách thức nợ.

Theo dữ liệu từ cuốn CIA World Fact Book, nợ công của Italy tính đến cuối năm 2017 của Italy là 2,4 nghìn tỷ USD, so với mức nợ 507 tỷ USD của Hy Lạp.

Bất ổn chính trị mới nhất ở Italy bùng lên vào cuối tuần vừa rồi, sau khi Thủ tướng tạm quyền Carlo Cottarelli không thể hội đủ sự ủng hộ từ các chính đảng lớn của nước này, dù chỉ để lập một chính phủ tạm quyền. Italy đã xoay sở để lập một chính phủ mới từ tháng 3, nhưng không thể thành công. Trong bối cảnh như vậy, Tổng thống Sergio Mattarella có thể phải tiến hành một cuộc bầu cử sớm vào ngày 29/7 để phá vỡ thế bế tắc.

Ngân hàng Trung ương Italy ngày thứ Ba cảnh báo rằng nước này chỉ còn “cách vài bước ngắn” tới chỗ để mất niềm tin của nhà đầu tư. Cùng ngày, thị trường tài chính Italy chứng kiến cuộc bán tháo mạnh nhất trong nhiều năm vì nỗi lo rằng cuộc bầu cử sớm có thể đồng nghĩa với một cuộc trưng cầu dân ý về địa vị thành viên khối Eurozone của Rome.

Những xung đột về ý tưởng một châu Âu thống nhất nổi lên mạnh mẽ ở Italy giữa lúc Liên minh châu Âu (EU) và Anh còn chưa thống nhất được những điều khoản cho sự ra của Anh khỏi khối này. Cuộc trưng cầu dân ý Brexit vào mùa hè năm 2016 đã gây ra một vết nứt không thể lành trong lòng châu Âu, và một cuộc bỏ phiếu có ý nghĩa tương tự ở Italy có thể sẽ trở thành một “đòn chí mạng” đối với liên minh kinh tế và chính trị 25 năm tuổi.

Thế bế tắc chính trị trở nên căng thẳng hơn ở Italy kể từ sau cuộc bầu cử toàn quốc hồi tháng 3, trong đó không một chính đảng nào giành đủ số phiếu để thành lập chính phủ. Trong khi đó, hai đảng dân túy là 5-Star Movement và League nhận được tỷ lệ phiếu khá lớn. Trong đó, League là một đảng cực hữu với quan điểm chống đồng Euro mạnh mẽ.

Quan điểm chống Euro đang chiếm ưu thế

Một số nhà phân tích chính trị tin rằng sự bế tắc hiện nay có thể củng cố thêm sự ủng hộ của cử tri Italy đối với hai đảng trên, khiến tương lai của Italy với tư cách là một thành viên của EU và một nước sử dụng đồng tiền chung càng trở nên bấp bênh hơn.

“Italy sẽ rơi vào một cuộc tranh cãi mệt mỏi, kéo dài, mà đặc điểm chính sẽ là quan điểm hoài nghi về các chính đảng truyền thống và về đồng Euro ngày càng lớn”, nhà phân tích chính trị Wolfango Piccola nói với hãng thông tấn AP.

Cho dù các chính đảng dân túy không kêu gọi Italy rút khỏi Eurozone, thì sức mạnh của các đảng này cũng làm gia tăng sự chia rẽ chính trị giữa Rome với các quan chức EU.

Tương tự như cuộc khủng hoảng nợ công Hy Lạp, bất ổn chính trị ở Italy hiện nay cũng khoét sâu thêm vết rạn nứt chính trị giữa Đức và những nền kinh tế gặp trục trặc trong Eurozone là Hy Lạp, Italy và Tây Ban Nha. Sự chia rẽ này được cho là sẽ gây trở ngại cho những nỗ lực nhằm giải quyết khối nợ khổng lồ của Italy.

Hôm thứ Ba, các quan chức EU hứa sẽ tôn trọng quyền của cử tri Italy về lựa chọn chính phủ của mình, sau khi cao ủy viên của Đức tại EU nói người Italy không nên bỏ phiếu cho các đảng dân túy.

“Nỗi lo của tôi, dự báo của tôi, là vài tuần tới đây sẽ cho thấy rằng các thị trường, trái phiếu chính phủ, nền kinh tế Italy có thể chịu ảnh hưởng mạnh đến nỗi gửi đi một tín hiệu tới các cử tri rằng họ không nên bỏ phiếu cho các chính trị gia dân túy, dù ở phe tả hay phe hữu”, cao ủy viên Guenther Oettinger của Đức, người đứng đầu ủy ban ngân sách của EU, nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn truyền hình Đức.

Phát biểu này của vị cao ủy viên ngay lập tức vấp phải phản ứng mạnh từ Italy, với thái độ chống Brussels và chống Đức được thể hiện rõ rệt. Phản ứng này cho thấy sự ủng hộ dành cho các đảng dân túy ở Italy thậm chí có thể còn mạnh hơn nữa trong cuộc bầu cử sắp tới.

Tổng thống Mỹ Donald Trump hiện chưa đưa ra bình luận nào về cuộc khủng hoảng chính trị ở Italy. Tuy nhiên, một số nhà quan sát nói rằng việc chính quyền Trump mới đây áp thuế quan lên nhôm và thép nhập khẩu, trong đó có nhôm và thép từ châu Âu, sẽ càng khiến cử tri Italy nghiêng về các chính trị gia dân túy hơn.

“Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và châu Âu có thể giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế châu Âu”, trong đó có Italy – chuyên gia Lachman của AEI nhấn mạnh. “Mà đây lại chính là hướng đi mà có vẻ như chính quyền Trump đã lựa chọn”.

Phố Wall lao dốc vì nỗi lo từ Italy

Bài viết mới