Mùa hè là thời điểm chính vụ thu hoạch của nhiều loại trái cây như vải, mận (đặc sản phía Bắc), xoài, nhãn, chôm chôm, sầu riêng, măng cụt, bơ, bòn bon… (trái cây miền Nam).
Rớt giá từng ngày
Sáng 29-5, chị Trần Kim Thoa (ngụ quận Phú Nhuận, TP HCM) hỏi mua vải loại ngon ở sạp trái cây gần nhà giá 55.000 đồng/kg trong khi tuần trước chị mua đến 80.000 đồng/kg. Đến trưa cùng ngày, cũng tại sạp này đã thấy treo bảng 35.000 đồng/kg. Tại Co.opmart Đinh Tiên Hoàng (quận Bình Thạnh, TP HCM), vải thiều Bắc Giang loại 1 cũng đang có chương trình giảm giá còn 48.000 đồng/kg (giá gốc 58.000 đồng/kg). Vải và mận là 2 loại đặc sản miền Bắc chỉ xuất hiện theo mùa, đang bán rộ, giá chỉ dưới 30.000 đồng/kg (hàng dạt). So với lúc cách đây 1 tháng, giá mận hiện chỉ bằng 1/5.
Người tiêu dùng chọn mua vải
Không chỉ trái cây nội, các loại nhập khẩu như táo, lê, nho cũng đang vào đợt khuyến mãi, giảm giá. Táo Fuji Nam Phi bán tại các cửa hàng tiện lợi chưa tới 30.000 đồng/kg. Ông N.Q.H, quản lý thương hiệu một công ty nhập khẩu trái cây cao cấp tại TP HCM, cho biết đang là thời điểm “xả hàng” của các công ty nhập khẩu. “Gần đây có rất nhiều đầu mối tham gia nhập khẩu trái cây, từng công ty lại “tham”, nhập nhiều để có giá thấp dẫn đến hàng ngập thị trường. Trong khi đó, người tiêu dùng tranh thủ mua trái cây đang rộ mùa trong nước nên trái cây ngoại phải giảm giá mới bán được. Giá bán lẻ 30.000 đồng/kg thì giá cung cấp vào chỉ khoảng 24.000-25.000 đồng/kg, nhà nhập khẩu cầm chắc lỗ nhưng nếu không giảm thì trái cây sẽ thành rác, phải tốn thêm tiền đổ đi” – ông H. phân tích.
Thừa nhưng thiếu
Bà Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (Bến Tre), cho biết hằng năm khi bước vào mùa hè (tháng 6, 7), giá trái cây giảm do không chỉ Việt Nam mà ở các nước đều thu hoạch rộ, xuất khẩu giảm. “Đối với thị trường Mỹ, chôm chôm Việt Nam đang đụng mùa chôm chôm Mexico và Thái Lan nên giá rất thấp. Riêng quả vải, công ty nhận được nhiều đề nghị mua của đối tác Mỹ nhưng vẫn đang cân nhắc vì chưa tìm được công nghệ bảo quản phù hợp” – bà Vy lý giải. Năm 2015, Việt Nam đã mở cửa thành công quả vải tươi đi Mỹ nhưng sản lượng xuất khẩu rất thấp do chỉ có thể vận chuyển bằng đường hàng không, giá thành cao, khó cạnh tranh.
Theo ông Nguyễn Hoàng Cung, Giám đốc Công ty TNHH Nông sản sạch Đại Thuận Thiên (Cần Thơ), nhà nông vẫn trồng cây ăn trái theo hướng tự phát, chưa có định hướng rải vụ nên sản lượng tập trung kéo giá nhiều mặt hàng xuống sâu. Ngoài ra, phần lớn trái cây là hàng đại trà, thiếu sự chăm chút để nâng chất lượng nên rất khó nâng giá. “Trái cây tuy nhiều nhưng vẫn thiếu nguồn cung cho một số đơn hàng cao cấp” – ông Cung nói.
Bà Lê Thị Kim Kiều, phụ trách quản lý nguồn hàng và chất lượng cửa hàng Rau sạch Vườn của Mẹ (đường Nguyễn Hoàng, quận 2, TP HCM), cho biết xu hướng người tiêu dùng cao cấp hiện nay thích dùng cùng lúc nhiều loại trái cây và ít quan tâm giá cả. Tuy nhiên, việc chọn nguồn hàng đầu vào khá khó do phần lớn nông dân sản xuất theo kiểu cũ, chưa áp dụng quy trình thực hành canh tác tốt nên khó kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm.
Trái cây loại 1 giá cao
Tuy mặt bằng giá trái cây giảm nhưng nhiều mặt hàng như sầu riêng, măng cụt, bưởi da xanh, bơ vẫn có giá trên 70.000 đồng/kg (loại 1). Theo giới kinh doanh, sầu riêng đang chính vụ có giá tốt nhờ thị trường Trung Quốc; bơ và măng cụt mới vào đầu mùa. Bưởi thì các nhà vườn tập trung mùa Tết nên lượng cung ứng ra thị trường ngày thường thấp hơn nhu cầu.