Tỷ giá của các ngân hàng liên tục được điều chỉnh tăng trong ngày hôm nay 29/5.
Tại thời điểm 16h00, giá USD của Vietcombank niêm yết ở mức 22.820 – 22.890 đồng, tăng 35 đồng so với buổi sáng. Trước đó trong ngày hôm qua 28/5, giá USD của nhà băng này cũng đã tăng 20 đồng.
Ngân hàng BIDV trong khi đó báo giá USD thấp hơn của Vietcombank 10 đồng, hiện ở 22.810 – 22.880 đồng và tăng 30 đồng so với buổi sáng.
Trong số các ngân hàng TMCP Nhà nước thì VietinBank đang báo giá USD rẻ nhất, với mua vào ở mức 22.804 đồng và bán ra tại 22.874 đồng, tăng 24 đồng mua vào và 14 đồng bán ra, sau khi đã có bước điều chỉnh tăng vào đầu giờ sáng so với ngày hôm qua.
Ở nhóm cổ phần tư nhân, tỷ giá tại ngân hàng ACB gần cuối phiên giao dịch là 22.810 – 22.880 đồng, tương đương của BIDV, tăng 10 đồng so với buổi sáng và tổng cộng 20 đồng so với cuối ngày hôm qua. Từ sáng tới giờ, ngân hàng này đã điều chỉnh tỷ giá tới gần 30 lần, trong đó giữa buổi chiều có lúc giá USD cũng lên 22.820 – 22.880 đồng.
Ngân hàng Eximbank cũng đã có 20 lần điều chỉnh tỷ giá ngày hôm nay, hiện niêm yết USD ở mức 22.800 – 22.890 đồng, giá mua vào không đổi so với buổi sáng nhưng giá bán ra đã tăng thêm 20 đồng. Trong phiên đầu giờ chiều, có lúc Eximbank cũng điều chỉnh tỷ giá giảm về 22.780 – 22.870 đồng nhưng sau đó nhanh chóng điều chỉnh tăng trở lại theo xu hướng thị trường.
Sacombank chỉ điều chỉnh tăng 10 đồng so với buổi sáng nhưng là ngân hàng đang có tỷ giá ở mức cao nhất thị trường chiều bán ra với 22.895 đồng. Ngân hàng mua USD ở mức 22.813 đồng.
Tại các ngân hàng khác, tỷ giá trong ngày hôm nay cũng được điều chỉnh liên tục, mức tăng phổ biến 20 – 50 đồng so với ngày hôm qua. Như vậy tổng cộng từ sáng hôm qua tới giờ, mức tăng tỷ giá cao nhất đã lên trên dưới 60 đồng/USD.
Và đáng lưu ý, tỷ giá ở các ngân hàng đã tăng suốt từ giữa tuần trước tới nay- một tuần liên tục – hiện mức tăng tổng cộng đã trên dưới 90 đồng- là các mức tăng rất mạnh.
Không chỉ giá USD của các ngân hàng thương mại tăng mà tỷ giá trung tâm cũng được NHNN điều chỉnh tăng liên tục trong các phiên vừa qua, hôm nay đã lên 22.605 đồng. Với mức này, tỷ giá trần và tỷ giá sàn mà các NHTM được phép áp dụng là 23.283 đồng/ USD và 21.926 đồng/USD.
Chia sẻ với chúng tôi, chuyên gia phân tích tài chính của một công ty chứng khoán cho biết, tỷ giá tăng chủ yếu bởi tâm lý lo ngại áp lực lên tỷ giá sẽ gia tăng trong thời gian tới, nhất là sau khi có số liệu về CPI tháng Năm năm nay có mức tăng mạnh nhất trong số các tháng Năm của 6 năm trở lại đây. “Dù Ngân hàng Nhà nước nói rằng sẽ điều hành tỷ giá và lãi suất ở mức ổn định, nhưng áp lực lạm phát cũng phần nào làm cho người ta lo ngại”, vị này nói.
Số liệu do Tổng cục Thống kê vừa công bố cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2018 tăng 0,55% so với tháng trước. CPI bình quân 5 tháng đầu năm 2018 tăng 3,01% so với bình quân cùng kỳ năm 2017. CPI tháng 5 tăng 1,61% so với tháng 12/2017 và tăng 3,86% so với cùng kỳ năm trước.
Vị chuyên gia nói trên cho biết thêm, ngoài áp lực từ lạm phát thì sức ép từ khả năng Mỹ tăng lãi suất trong cuộc họp vào tháng 6 tới cũng làm gia tăng nỗi e ngại lên tỷ giá. Trên thị trường thế giới, chỉ số đồng USD đo sức mạnh của bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt liên tục tăng trong thời gian qua.
Trong khi đó, theo giám đốc chi nhánh của một ngân hàng Quốc doanh ở khu vực phía Nam, đồng USD lên giá so với VND là do NHNN chủ đích phá giá tiền đồng để hỗ trợ cho xuất khẩu. Việc phá giá này cũng xuất phát từ việc NHNN đã giữ giá VND quá cao so với USD trong khoảng một thời gian dài. Vị này lại có quan điểm trái ngược với chuyên gia phân tích tài chính đề cập ở trên, rằng áp lực từ lạm phát tác động lên tỷ giá là không đáng kể.
Phân tích sâu hơn ông cho biết, tác động của đồng Nhân dân tệ Trung Quốc yếu đi thời gian qua do Bắc Kinh gây áp lực lên Mỹ như một nỗ lực tự bảo vệ trước những đòn áp thuế cao của Mỹ lên các sản phẩm nhập khẩu của Trung Quốc cũng có ảnh hưởng tới tỷ giá, vì Nhân dân tệ là 1 trong 8 đồng tiền NHNN dùng làm cơ sở để tính tỷ giá trung tâm.
Hơn nữa với Việt Nam, Mỹ cũng đang áp dụng biện pháp phá giá với tỷ lệ phần trăm khá cao cho nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam như hải sản, nhôm, thép…, “nên để đối phó với tình hình, nhà xuất khẩu phải tìm cách ứng phó như để hạ giá thành sản phẩm, nâng cao năng suất lao động và sử dụng các công cụ tài chính khác. Việc tỷ giá được đưa ra áp dụng là một trong những công cụ mà các nước xuất khẩu vẫn hay dùng để hỗ trợ cho hàng hóa xuất khẩu của nước mình”, ông nói.