Tỷ giá, lạm phát tăng mạnh: Có nên lo?

Khoảng 1 tuần trở lại đây, giá USD trên thị trường tự do tăng tương đối mạnh, có lúc vượt mức 22.900 đồng đổi 1 USD. Giá bán USD tại các NHTM cũng phổ biến ở mức trên 22.880 đồng. Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng CPI trong tháng 5/2018 ghi nhận mức tăng 0,55% so với tháng trước và là mức tăng cao nhất của tháng 5 trong vòng 6 năm qua.

Nhiều lo ngại đặt ra rằng, sự gia tăng mạnh của tỷ giá và lạm phát hiện nay là những biến động nhất thời hay báo hiệu một xu hướng mới? Xoay quanh vấn đề này, chúng tôi có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Đức Độ – Phó viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính, Học viện Tài chính.

PV: Thưa ông, theo ông thì đâu là nguyên nhân dẫn đến giá USD tăng mạnh trên cả thị trường chính thức và thị trường tự do trong những ngày gần đây?

TS. Nguyễn Đức Độ: Hiện nay, nếu chỉ xét trên khía cạnh cung-cầu USD, thì không có nhiều áp lực khiến tỷ giá phải tăng mạnh. Cán cân thương mại của nền kinh tế đang thặng dư, còn NHNN vẫn đang mua ròng USD để tăng dự trữ ngoại hối. Điều này cho thấy, nguồn cung USD vẫn dồi dào, mặc dù sự sụt giảm của giá cổ phiếu thời gian qua có thể có ảnh hưởng nhất định đến kỳ vọng của thị trường về dòng vốn ngoại ra/vào Việt Nam trong thời gian tới.

Về mặt giá trị, chỉ số đồng đô la (U.S. Dollar Index) trên thị trường thế giới trong hơn một tháng qua đã tăng tương đối mạnh, khoảng 5%. Xu hướng này có thể dẫn đến thị trường kỳ vọng rằng NHNN sẽ cho phép VND giảm giá một chút so với USD để hỗ trợ xuất khẩu, qua đó thực hiện chính sách tỷ giá linh hoạt như đã cam kết. Việc NHNN điều chỉnh tỷ giá trung tâm tăng khoảng 50 đồng trong 1 tháng qua cho thấy kỳ vọng này là có cơ sở.

Như vậy, tỷ giá VND/USD chủ yếu phụ thuộc vào những biến động của đồng USD trên thị trường quốc tế. Ông có dự đoán gì về xu hướng của tỷ giá trong thời gian tới?

Rất khó để dự báo về xu hướng tăng/giảm của đồng USD trên thị trường quốc tế trong thời gian tới. Tuy nhiên, tôi tin rằng cho dù đồng USD trên thị trường thế giới có biến động thế nào, thì với tình hình cung cầu ngoại tệ và dự trữ ngoại hối hiện nay, NHNN sẽ không để tỷ giá tăng mạnh. Ngưỡng tâm lý 23.000 đồng đổi 1 USD nhiều khả năng sẽ chưa bị phá vỡ trong khoảng từ nay đến cuối năm 2018.

Theo đánh giá của ông, các số liệu về lạm phát mới được công bố có tác động đến tỷ giá?

Xu hướng tăng tỷ giá đã hình thành trong nhiều ngày qua. Tuy nhiên, mức tăng mạnh trong ngày 29/5 có thể một phần là do những lo ngại về lạm phát sau khi Tổng cục Thống kê công bố số liệu mới.

Vậy CPI tăng mạnh trong tháng 5/2018 là nhất thời hay xu hướng, thưa ông?

Có 2 yếu tố chính khiến CPI tăng mạnh trong tháng 5/2018 là giá xăng dầu và giá thực phẩm. Đây đều là 2 mặt hàng có giá cả biến động khó lường trong ngắn hạn. Tuy nhiên, với tổng cầu hiện chỉ ở mức “vừa phải”, thể hiện qua việc lạm phát cơ bản chỉ tăng 1,37% trong vòng 12 tháng qua, mức biến động của giá thực phẩm được dự báo sẽ không quá lớn, nếu tính cho cả năm 2018. Kể từ đầu năm nay, giá thực phẩm mới chỉ tăng khoảng 2%, còn nếu tính trong vòng một năm qua, mức tăng là 3,63%. Mức tăng của năm nay có thể cũng chỉ khoảng trên/dưới 4%, tức là trung bình thấp hơn 0,4%/tháng.

Kể từ đầu tháng 5/2018 giá dầu thô tại thị New York cũng đã tăng từ mức 68 USD/thùng lên mức 72 USD/thùng sau khoảng 3 tuần, nhưng đến nay đã giảm trở lại mức 66 USD/thùng. Với nguồn cung dầu đá phiến của Mỹ vẫn tiếp tục tăng, đồng thời Nga và Ả-rập-xê-út cùng tăng sản lượng so với mức cam kết trước đây, khả năng giá dầu cũng sẽ khó tăng mạnh.

Theo ông thì mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 4% trong năm nay có đạt được không?

Lạm phát trung bình trong 5 tháng đầu năm 2018 mới chỉ ở mức 3%. Nếu CPI tăng trung bình 0,45%/tháng trong thời gian còn lại của năm, thì mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 4% trong năm nay vẫn đạt được. Mọi thứ, theo tôi, vẫn đang nằm trong tầm tay của Chính phủ.

Xin cảm ơn ông!

Vì sao USD ngân hàng tăng chóng mặt?

Bài viết mới